Sử dụng khoáng hữu cơ cho tôm như thế nào để đạt hiệu quả cao?

Sử dụng khoáng hữu cơ cho tôm như thế nào để đạt hiệu quả cao?

Tôm rất cần khoáng cho quá trình sinh trưởng và phát triển. Trong đó, so với dạng vô cơ, khoáng hữu cơ ngày càng được đông đảo bà con ưa chuộng sử dụng vì nhiều ưu điểm vượt trội. Đó cụ thể là những lợi ích gì? Làm thế nào để sử dụng khoáng hữu cơ cho tôm đạt hiệu quả tối ưu? Mời bà con đón đọc những chia sẻ dưới đây từ Biogency.

Khoáng hữu cơ là gì?

Khoáng hữu cơ hay còn gọi là khoáng chelay, proteinate, là hỗn hợp của khoáng chất (chẳng hạn như kẽm sunfat) với chất mang protein (chẳng hạn như bột protein đậu nành thủy phân). Trong quá trình trộn, hợp chất kim loại (khoáng chất) và phối tử (nguồn protein) liên kết với nhau và tạo ra phức hợp chelate có nhiều hơn một vị trí liên kết.

Sử dụng khoáng hữu cơ cho tôm như thế nào để đạt hiệu quả cao?
Tôm cần khoáng để sinh trưởng và phát triển.

Các khoáng hữu cơ như Metal -Specific Amino Acid- complex; Metal Amino Acid Chelate… Khoáng hữu cơ có đặc tính ổn định và được bảo vệ trong quá trình tiêu hóa khỏi các phản ứng hóa học khiến vật nuôi không thể sử dụng khoáng chất này.

Lợi ích của khoáng hữu cơ cho tôm

Nếu trước đây khoáng vô cơ là lựa chọn phổ biến vì chi phí tương đối thấp, thì nay, trong nuôi trồng tôm nói riêng và thủy sản nói chung, ngày càng nhiều bà con ưu tiên sử dụng khoáng hữu cơ vì những lợi ích vượt trội mà chúng mang lại.

Tôm hấp thụ khoáng hữu cơ dễ dàng

Nhược điểm lớn của khoáng vô cơ là sinh khả dụng thấp hay nói cách khác là tỷ lệ tôm hấp thụ khoáng vô cơ thấp, thậm chí một số khoáng chất vô cơ không được tôm hấp thụ.

Nguyên nhân là vì nguyên tố khoáng tồn tại dưới dạng muối vô cơ đi vào hệ tiêu hóa của tôm, tại đây độ pH giảm hoặc axit hóa có thể khiến các liên kết bị phá vỡ, giải phóng ion mang điện tích dương. Các ion này phản ứng với các ion âm trong dạ dày tôm, khi này lượng khoáng không còn sẵn sàng để hấp thụ và được bài tiết ra ngoài.

Trong khi đó, khoáng hữu cơ được phức hợp bởi các axit amin, peptit có tính liên kết ổn định. Khi đi vào dạ dày tôm, dù điều kiện pH thấp vẫn không bị đứt gãy liên kết giúp khoáng chất dễ dàng di chuyển, hấp thụ vào máu.

Sử dụng khoáng hữu cơ cho tôm như thế nào để đạt hiệu quả cao?
Tôm hấp thụ tốt khoáng hữu cơ hơn so với khoáng vô cơ.

Chưa kể, hiện trên thị trường có nhiều khoáng vô cơ giá thành rất rẻ, chứa nhiều tạp chất, lượng khoáng không cao, dù sử dụng với tần suất cao, khối lượng nhiều trong suốt vụ nuôi cũng khó có thể đáp ứng.

Khoáng hữu cơ không ức chế enzyme phytase

Bổ sung enzyme phytase giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa của tôm. Tuy nhiên, nghiên cứu của Pang và Applegate, (2006) cho thấy, đồng vô cơ ngăn chặn hoạt động thủy phân của các enzyme phytase ở pH 5,5 và 6,5, nhưng đồng clorua tri-bazơ và đồng lysine không ảnh hưởng nhiều.

Như vậy, phytase có thể bị ức chế bởi hàm lượng khoáng vô cơ cao, trong khi hữu cơ thì không. Đó là lý do, các khoáng vi lượng hữu cơ được khuyến khích sử dụng thay nguồn vô cơ trong thức ăn bổ sung phytase cho tôm.

Thúc đẩy đề kháng và miễn dịch của tôm

Vi khoáng hữu cơ là những dưỡng chất quan trọng đã được chứng minh giúp thúc đẩy sức đề kháng và hệ miễn dịch của tôm. Hệ miễn dịch tốt giúp tôm phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hạn chế lượng thuốc kháng sinh sử dụng.

Trong một nghiên cứu tại Ecuador, các chuyên gia đã tìm hiểu sâu mối liên quan giữa tỷ lệ bột cá và tác động của khoáng vi lượng hữu cơ lên hệ miễn dịch của tôm. Cụ thể, tôm được cho ăn kết hợp bột cá và bổ sung khoáng ở các mức khác nhau là 0%, 50% và 100%. Trong đó, với nhóm tôm 100% khoáng hữu cơ Bioplex và Sel-Plex kết hợp cùng 100% bột cá cho thấy đạt thông số miễn dịch cao nhất. Nhóm tôm kết hợp khoáng vô cơ thể hiện hoạt tính phenoloxidase và protein huyết tương rất thấp.

Các nghiên cứu chứng minh kẽm hữu cơ ở mức thấp cũng tác động tích cực lên hệ miễn dịch thông qua tăng cường axit phosphatase, pro-phenoloxidase, lysozyme và các biểu hiện gen liên quan đến hệ miễn dịch của gan tụy tôm. Kẽm hữu cơ cũng tạo ra những thay đổi thuận lợi trong cộng đồng hệ vi sinh đường ruột của tôm.

Tăng năng suất vụ tôm

Dù lượng sử dụng không quá cao nhưng tôm không thể phát triển khỏe mạnh nếu thiếu khoáng. Chất khoáng giúp quá trình tôm lột và tạo vỏ diễn ra thuận lợi, tôm cứng cáp, đề kháng tốt, ít bệnh, tăng trưởng nhanh, tăng hiệu suất sinh sản, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Sử dụng khoáng hữu cơ cho tôm như thế nào để đạt hiệu quả cao?
Khoáng giúp quá trình tạo và lột vỏ của tôm diễn ra suôn sẻ.

Giảm bài tiết kim loại, hạn chế ô nhiễm môi trường

Những khoáng chất vô cơ tôm không hấp thụ được, thải ra môi trường gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, các loại khoáng vô cơ sẽ tạo phản ứng với thành phần thức ăn, hình thành các phức hợp không hòa tan hoặc tương tác đối kháng với các yếu tố khác trong thức ăn, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm kim loại nặng (dioxin, chì, cadium, asen,…).

Cách sử dụng khoáng hữu cơ cho tôm hiệu quả

Không thể phủ nhận vai trò của khoáng hữu cơ trong quá trình nuôi tôm, tuy nhiên để đạt hiệu quả tối ưu, bà con cần biết cách sử dụng khoáng đúng lúc, đúng liều lượng với từng giai đoạn. Dưới đây là một số lưu ý cần thiết khi sử dụng khoáng hữu cơ.

  • Dùng khoáng hữu cơ (chelate). Chelate gồm 2 phần, một phần mang kim loại gọi là ligandum, phần còn lại là kim loại. Trên bề mặt của ligandum có những acid amin mang điện tích âm, kết hợp với các ion kim loại. Dưới dạng chelate, khoáng không bị phân li thành ion, không tạo thành phức, không hoà tan với axit phytic, axit oxalic hay với các gốc phosphat, sulphat. Sự cạnh tranh hấp thu giữa các chất khoáng với nhau cũng bị hạn chế.
  • Thời điểm bổ sung khoáng cần thiết là khi tôm chuẩn bị đồng loạt lột vỏ, nên đánh khoáng vào chiều tối hoặc ban đêm, tránh đánh vào ban ngày.
  • Dùng thuốc tím KMnO4, PAC[Al2(OH)nCl6-n]m hay Al2O3, lắng tụ các hạt sét, phù sa, chất lơ lửng trước khi đánh khoáng xuống ao, hồ nuôi.
  • Nuôi tôm độ mặn thấp, cần phối hợp bổ sung cùng lúc khoáng tạt và khoáng trộn cho ăn.

Bên cạnh đó, bà con nên sử dụng chế phẩm sinh học có thành phần vi sinh Bacillus, Thiobacillus, Clostridium, Lactobacillus, Nitrosomonas, Nitrobacteria,… như men vi sinh Microbe-Lift. Kết hợp các enzyme hữu cơ, xúc tác cho quá trình phân hủy của các vi sinh vật như: Protease, Phytase, Lypase, Amyllase, Cellulace, Chitinnase…hạn chế khí độc tăng cao trước khi đánh khoáng.

Hy vọng với những chia sẻ trên phần nào bà con đã nắm được những lợi ích của khoáng hữu cơ cho tôm, sự khác biệt với khoáng vô cơ cũng như những lưu ý về cách sử dụng trong quá trình nuôi tôm để đạt hiệu quả. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào trong quá trình nuôi tôm, bà con hãy liên hệ đến Biogency qua HOTLINE 0909 538 514 để được hỗ trợ nhanh nhất!

>>> Xem thêm: Những khoáng chất cần thiết cho tôm và lưu ý khi sử dụng

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký