Nuôi tôm trên cát

Mô hình nuôi tôm trên cát và cách xử lý nước thải nuôi tôm trên cát

Nhiều năm qua, bà con ở nhiều địa phương đã tiến hành áp dụng mô hình nuôi tôm trên cát và đã có những tiến bộ nhất định trong kỹ thuật chăn nuôi còn tương đối mới này. Nuôi tôm trên cát đúng là đang phát triển mạnh nhưng đâu đó vẫn còn mang tính tự phát, không có một quy trình bài bản, đúng kỹ thuật, kéo theo một số hệ lụy làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường khi mà nước thải nuôi tôm không được xử lý triệt để. Vì lý do này, Biogency sẽ cung cấp đến bạn những thông tin về mô hình nuôi tôm trên cát và phương án xử lý nước thải nuôi tôm trên cát hiệu quả, mang tính lâu dài. 

Mô hình nuôi tôm trên cát

Nuôi tôm trên cát là đang một trong những mô hình ao nuôi mang lại hiệu quả kinh tế rất đáng kể cho những hộ nuôi tôm hiện nay. Tuy vậy, để đạt được hiệu quả tối ưu, hộ chăn nuôi phải trang bị đầy đủ kinh nghiệm thiết kế và xây dựng môi hình ao nuôi tôm sao cho hợp lý và đúng kỹ thuật được yêu cầu, nếu không ao nuôi có thể bị vùi lấp, đồng thời nguồn nước chăn nuôi thải ra môi trường gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng như xâm nhập mặn, đe dọa khu rừng phòng hộ, tiềm ẩn dịch bệnh,… Vì vậy, để nuôi tôm trên cát đạt hiệu quả cao, an toàn và đúng kỹ thuật, bà con nuôi tôm hãy tham khảo qua quy trình nuôi tôm trên cát dưới đây nhé!

Chuẩn bị ao nuôi 

Nuôi tôm trên cátHệ thống ao nuôi tôm được chọn xây dựng trên vùng đất cát thuộc vùng bãi ngang ven biển, có nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm, ảnh hưởng bởi quá trình sản xuất và sinh hoạt. Vị trí, tình trạng ao phù hợp với điều kiện thực tế và nằm trong vùng đã được quy hoạch.

  • Ao ương trong giai đoạn 1 có diện tích từ 200 – 500 m2, độ sâu 0,8 – 1 m, trong ao có lót bạt và hố xiphong ở giữa. Không thể thiếu hệ thống oxy đáy, mái che và hàng rào lưới xung quanh.
  • Ao nuôi tôm chiếm khoảng 25% tổng diện tích công trình. Theo các chuyên gia thì diện tích ao nuôi tốt nhất là từ 2000 – 3000 m2 sẽ hiệu quả cao, độ sâu thì đạt tới 1,5 m. Ao cần được lót bạt, có hố xiphong và hệ thống oxy đáy.
  • Ao chứa/ ao lắng: Bao gồm các ao lắng thô, ao lắng xử lý, ao lắng sẵn sàng; diện tích ao chứa/ ao lắng này sẽ chiếm tối thiểu 65% tổng diện tích công trình nuôi.
  • Ao xử lý nước thải, chất thải rắn: Diện tích chiếm tối thiểu 10% tổng diện tích công trình. Vị trí đặt ao xử lý cần cách ao nuôi, ao chứa, ao lắng của cơ sở nuôi liền kề tối thiểu 10m. Lót bạt chống thấm trong ao để tránh nước thấm xuống nền cát, lâu dài gây mặn hóa nguồn nước ngọt ngầm.

Xử lý nước

Hệ thống cung cấp nước (gồm đường ống, máy bơm nước mặn, nước lợ,…) phải được bố trí hợp lý, tránh lắp đặt chồng chéo gây cản trở giao thông. Hệ thống cấp nước bằng ống PVC có đường kính khoảng 110 – 220 mm. Từ hệ thống cấp nước này, mỗi ao sẽ có đường ống nhánh để bơm nước vào trong ao nuôi. Nước thải từ các ao được tập trung vào các hố ga rồi thu gom về ao xử lý.

Nước mặn, nước lợ được lấy trực tiếp từ biển hoặc từ mép ngoài đê bao biển, cần cách chân đê tối thiểu 5m. Lấy phần nước sâu dưới đáy biển để vừa đảm bảo về độ mặn thích hợp vừa có chất lượng nước tốt. Trong mỗi cụm nuôi tôm hoặc từng ao nuôi, nên lắp đặt một trạm bơm hoặc máy bơm để thuận tiện bơm nước vào ao nuôi.

Nước cấp vào ao nuôi phải đảm bảo là nước sạch, đã được diệt khuẩn và cần phải được cấp qua lưới lọc có kích thước nhỏ, như vậy mới đảm bảo không có các loại ấu trùng, giáp xác lọt vào ao tôm. Cần tiến hành xử lý nước bằng Chlorine, sau đó sục khí trong 2 – 4 ngày.

Cách gây màu nước cho ao nuôi: Sử dụng các chế phẩm gây màu dùng trong nuôi trồng thủy sản hoặc phân vô cơ như phân Urê.

Thả giống xuống ao

Số lượng, chất lượng con giống cần đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10257:2014 do Tổng cục Thủy sản biên soạn. Con giống trước khi thả nuôi cần được tiến hành kiểm tra, kiểm dịch bằng máy PCR và có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch. 

Cần lựa chọn những cơ sở cung cấp giống nuôi uy tín và có chứng nhận kiểm dịch đầy đủ, minh bạch của cơ quan thú y. Trước khi thả, bà con hãy ngâm túi chứa tôm giống trong ao nuôi khoảng 15 phút, việc này là để cho tôm có thể thích nghi dần với môi trường nước ao. Mật độ ương rơi vào khoảng 700 – 1.000 con/m2, sử dụng con giống PL12.

Tham khảo: Cách thả tôm giống giúp tôm an toàn, khỏe mạnh

Quản lý, chăm sóc ao nuôi

Nuôi tôm trên cát

  • Ở giai đoạn đầu, tôm được ương trong ao nhỏ trước khi thả vào trong ao nuôi. Ao ương diện tích nhỏ nên việc quản lý chặt chẽ, dễ kiểm soát hơn, hạn chế các tác động của thời tiết và yếu tố bên ngoài khác. Nhờ vậy tránh được vấn đề lây lan dịch bệnh, an toàn môi trường và đảm bảo sức khỏe của tôm nuôi trong giai đoạn đầu.
  • Hàng ngày bà con cần kiểm tra các chỉ tiêu về môi trường (Tham khảo các chỉ tiêu môi trường nước nuôi tôm) nhằm ứng phó kịp thời trước những biến động có thể phát sinh trong quá trình ương. Thường xuyên bổ sung chế phẩm sinh học để kiểm soát môi trường và hạn chế tối đa việc thay nước ao ương.
  • Sau khoảng 30 – 45 ngày, tôm lúc này đã đạt kích cỡ 800 – 1.000 con/kg thì được sang qua ao nuôi. Trước khi sang, bà con cần lưu ý kiểm tra môi trường (độ mặn, pH, độ kiềm, oxy hòa tan, nhiệt độ,…) của ao ương và ao nuôi cần tương đương nhau và nằm ở ngưỡng thích hợp cho tôm sinh trưởng và phát triển tốt, để nhằm hạn chế gây sốc cho tôm nuôi.
  • Việc sang tôm nên thực hiện vào sáng sớm, thực hiện bằng cách mở van cho tôm và nước xuống ao nuôi thương phẩm. (Tham khảo cách sang tôm hiệu quả)
  • Nhớ thường xuyên quản lý việc cho tôm ăn trong quá trình nuôi. Cho ăn 3 – 5 lần/ngày, đều đặn kiểm tra lượng ăn của tôm bằng sàng để điều chỉnh mức độ phù hợp, tránh để dư thừa gây ô nhiễm môi trường nước nuôi lẫn xung quanh. Trong những ngày thời tiết nóng bức, mưa nhiều, tôm trong quá trình lột xác,… bà con giảm lượng thức ăn khoảng 30 – 50% so với lượng thức ăn thường ngày.
  • Việc quan trọng nữa là thường xuyên kiểm tra nhiệt độ, độ pH trong ao (trung bình 2 lần/ngày), kiểm tra độ kiềm trong ao, lượng khí độc trong ao khoảng 3 ngày/lần. Bổ sung các khoáng chất cho ao nuôi khoảng 3 – 5 ngày/lần để giúp tôm nhanh cứng vỏ và lột xác đồng loạt trong đàn. 

Bà con cũng cần định kỳ xử lý men vi sinh và chế phẩm sinh học, việc này là để bổ sung chủng loại vi sinh vật có lợi cho ao nuôi và giúp phân hủy các hợp chất hữu cơ sót lại sau khi xiphong đáy ao.

Bên cạnh đó, người nuôi tôm cần hàng ngày quan sát các hoạt động bắt mồi cũng như theo dõi sức khỏe của tôm trong ao, để ý các biểu hiện bên ngoài của tôm thông qua màu sắc, phụ bộ, lượng thức ăn trong ruột tôm,… để có thể phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu bất thường nào và đưa ra phương án xử lý kịp thời.

Một số lưu ý trong thiết kế ao nuôi tôm trên cát

Biogency đã vừa tổng hợp xong toàn bộ quy trình kỹ thuật mà bà con cần thực hiện khi thiết kế hệ thống ao nuôi tôm trên cát. Bên cạnh đó cũng có những lưu ý mà người nuôi tôm cần quan tâm để việc thiết kế ao nuôi đạt hiệu quả tối ưu:

  • Khi chọn vị trí lắp đặt mô hình ao nuôi tôm, nên chọn nơi gần biển, ít gió và có rừng phòng hộ, chú ý tránh xa vùng nước đã bị ô nhiễm để đảm bảo chất lượng nguồn nước nuôi tôm. 
  • Ao nuôi tôm nên chọn dạng hình vuông hoặc chữ nhật, có đáy phẳng và hơi nghiêng về phía rốn thu thải, như vậy sẽ dễ dàng thoát nước và thuận tiện dọn dẹp các chất bẩn có trong ao. 
  • Có thể dùng đất sét để phủ mái, bờ và đáy ao (sử dụng một lớp dày khoảng 30 – 50cm) hoặc sử dụng bạt HDPE lót để chống thấm nước trong suốt vụ nuôi. Phương pháp này khá phổ biến, được nhiều người ưa dùng nhờ giá thành thấp. Có thể gia cố chống sóng, chống thấm mái và bờ ao bằng lớp bê tông đổ tại chỗ dày khoảng 7 – 10cm. Phương pháp này được đánh giá là có độ an toàn và tuổi thọ cao, tuy nhiên nhược điểm là cần vốn đầu tư ban đầu khá lớn.
  • Đối với nơi gần sát biển, cần đặc biệt quan tâm đầu tư trồng rừng phòng hộ và nâng nền đất cao lên nhằm giảm thiểu rủi ro mưa bão, sóng thần ảnh hưởng đến ao nuôi.
  • Những công trình phụ trợ cần được làm từ vật liệu chắc chắn, có giằng bằng thép hoặc bê tông là tốt nhất, như vậy mới chống được gió giật gây sập đổ vì gió biển rất mạnh.
  • Kể từ năm 2018 là nhà nước đã siết chặt quản lý nuôi trồng thủy sản, do đó nếu bà con đang hoặc chuẩn bị làm ao mới, cải tạo sửa chữa ao thì cần dành ra khoảng 5 – 10% diện tích để làm khu xử lý nước thải trước khi xả nước thải chăn nuôi ra môi trường. Việc này vừa mang tới lợi ích cho cộng đồng mà còn bảo vệ môi trường xung quanh, ngăn ngừa việc lây lan dịch bệnh, nhờ vậy mà việc nuôi tôm sẽ trở nên bền vững, dài lâu hơn.

Phương án xử lý nước thải nuôi tôm trên cát

Theo thống kê của các nhà nghiên cứu, bình quân mỗi hecta tôm thải ra đến 8 tấn chất thải rắn bao gồm thức ăn thừa, vỏ tôm lột,… gây ảnh hưởng và ô nhiễm nguồn nước trong vùng. Ngoài ra, trong lượng chất thải này sẽ có các hóa chất xử lý ao nuôi như là vôi, thuốc tím, chlorine,… đều là những chất cực kỳ nguy hiểm khi ngấm vào nguồn thức ăn của con người, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Bên cạnh xả trực tiếp ra biển, nhiều hộ nuôi tôm trên cát còn chọn cách xả nước thải, bùn ao nuôi ngay tại khu vực đất cát cạnh hồ gây mặn hóa nguồn nước  mặt và ô nhiễm nghiêm trọng.

Nuôi tôm trên cát
Xử lý nước thải nuôi tôm trên cát không đúng kỹ thuật dễ dẫn đến ô nhiễm môi trường xung quanh

Vì lẽ đó, xử lý nước thải nuôi tôm trên cát đúng quy trình là một điều kiện cực kỳ quan trọng để cho mô hình nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Năm 2016, HTX nuôi trồng và chế biến thủy sản Xuân Thành đã được Viện Nước tưới tiêu và môi trường chọn làm thí điểm để áp dụng thử mô hình xử lý nước thải cho khu nuôi tôm thẻ chân trắng. Bà con có thể tham khảo:

Quy trình xử lý gồm 3 bước:

  • Bước 1: nước thải được đưa vào trong ao lắng để tách bùn, thời gian lắng từ 30 – 60 phút tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm và số lượng bùn có trong nước thải. 
  • Bước 2: nước sau khi lắng bùn được trữ lại trong ao xử lý 1 có trồng rong biển, thời gian lưu trữ nước từ 5 – 7 ngày, sau đó nước mới được tháo sang ao xử lý 2 để tiếp nhận nước thải mới. 
  • Bước 3: nước thải trong ao xử lý 2 được lưu trong vòng 5 – 7 ngày mới thải ra môi trường hoặc đem đi tái sử dụng. Tại ao xử lý 2 này có trồng rong biển và nuôi vẹm xanh với mật độ rong 700gr/m2 và vẹm là 30 con/m3 nước.

Ngoài ra, Biogency cũng gợi ý cho bà con một phương án khác được các chuyên gia sử dụng trong quá trình thiết kế, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải nuôi tôm trên cát như sau: Nước thải của ao nuôi tôm được dẫn qua một hố ga thu chất thải rắn, sau đó chảy tự động vào ao chứa nước thải để nước được xử lý bằng vi sinh, có thể nuôi thêm cá rô phi để làm sạch nước, giải phóng chất độc NH3, NO2, H2S,… có trong nước thải. Sau đó bà con mới xả thải ra biển qua một bể lọc bằng cát hoặc phương án khác là bơm trực tiếp lại ao lắng thô để tái sử dụng. Cần chú ý đường ống nước thải phải được lắp đặt cách xa các trạm bơm nước.

Mô hình nuôi tôm trên cát hiện này không còn nhiều xa lạ với các hộ nuôi tôm. Tuy nhiên những điểm bất cập mà mô hình nuôi trồng thủy sản này có thể vẫn còn đó nếu người nuôi tôm không nâng cao ý thức trong việc xử lý nước thải. Biogency hy vọng với bài chia sẻ, tổng hợp trên đây thì bà con đã nắm rõ quy trình kỹ thuật thiết kế mô hình ao nuôi và cách xử lý nước thải nuôi tôm trên cát. Chúng tôi tin rằng bà con sẽ có vụ mùa thành công về lợi nhuận lẫn tính thân thiện với môi trường xung quanh. Mọi chi tiết cần tư vấn, hỗ trợ bà con có thể liên hệ trực tiếp với Biogency qua Hotline 0909 538 514.

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký