tăng giảm kiềm ao nuôi tôm

Cách tăng/giảm kiềm ao nuôi tôm đơn giản mà hiệu quả

Độ kiềm trong ao nuôi có ảnh hưởng đến quá trình lột xác, tốc độ tăng trưởng và là một trong những  yếu tố quan trọng quyết định năng suất tôm nuôi. Quản lý độ kiềm tốt, tôm sẽ phát triển khỏe mạnh, cho năng suất thu hoạch cao. Tuy nhiên, trong quá trình chăn nuôi tôm, độ kiềm thường bị biến đổi, do vậy bà con cần biết cách tăng/giảm kiềm ao nuôi tôm để xử lý kịp thời. 

Độ kiềm trong ao nuôi tôm là gì?

Độ kiềm ao nuôi tôm chỉ khả năng trung hòa axit của nước, thể hiện tổng số các ion có tính bazơ trong nước như: Hydroxit – OH , bicarbonate HCO3và carbonate CO32-. Độ kiềm thích hợp với ao nuôi tôm sú là 80 – 120 mg CaCO3/l và 120 – 180 mg CaCO3/l đối với ao nuôi tôm thẻ chân trắng. 

Trong quá trình nuôi tôm, cần kiểm tra độ kiềm thường xuyên và duy trì độ kiềm ở mức tối ưu để không gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm. Nếu độ kiềm quá thấp sẽ làm biến đổi pH, khiến tôm bị stress, tăng trưởng chậm và có thể gây chết. 

Cách đo độ kiềm trong ao nuôi chính xác

tăng/giảm kiềm ao nuôi tôm

Để kịp thời phát hiện những biến đổi độ kiềm trong ao, người nuôi tôm cần đo độ kiềm thường xuyên, ít nhất 1 lần/ ngày. Ba phương pháp đo độ kiềm thường được áp dụng là phương pháp chuẩn độ, sử dụng máy đo và sử dụng bộ test kit. 

  • Phương pháp đo chuẩn độ:  yêu cầu độ chính xác cao, thường được áp dụng trong các phòng thí nghiệm  
  • Sử dụng máy đo độ kiềm: đây là cách đo độ kiềm khá phổ biến hiện nay với độ chính xác cao và dễ thao tác. Các máy đo độ kiềm thường có thiết kế nhỏ gọn và dễ dàng cầm nắm để tiện mang ra ao nuôi. Một bộ máy độ kiềm thông thường sẽ bao gồm máy đo độ kiềm, thuốc thử, 2 ống nghiệm có nắp, hướng dẫn sử dụng, pin 
  • Sử dụng bộ test kit: Với ưu điểm đơn giản, dễ sử dụng, giá rẻ nên đây là cách đo độ kiềm được rất nhiều người áp dụng. Bộ test kit gồm thuốc thử, ống nghiệm chia vạch, tờ hướng dẫn sử dụng. 

Trong 3 cách đo độ kiềm trên,  test kit và sử dụng máy đo là 2 phương pháp đo độ kiềm được sử dụng nhiều hiện nay. Để đo độ kiềm chính xác, bạn cần lưu ý những điểm sau: 

  • Chọn loại test kit/ máy đo độ kiềm từ thương hiệu uy tín, có độ chính xác cao và thao tác thực hiện đơn giản
  • Thực hiện đúng quy trình hướng dẫn được kèm theo bộ test kit/ máy đo để có kết quả tốt nhất.
  • Bảo quản thuốc thử ở nơi khô ráo, thoáng mát. Lắc kỹ thuốc thử trước khi kiểm tra
  • Vệ sinh ống nghiệm sạch sẽ trước và sau khi sử dụng
  • Tuân thủ nguyên tắc lấy mẫu: lấy ở tầng giữa cách mặt nước 50cm. Các dụng cụ thu mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu phải đảm bảo luôn sạch sẽ. 
  • Không  thu mẫu ngay sau khi xử lý hóa chất xuống ao 
  • Mẫu nước phải được đo ngay khi lấy lên hoặc phải nhanh chóng chuyển đến các phòng thí nghiệm. Nếu đo thông số mẫu nước trong vòng 30 phút kể từ khi lấy mẫu sẽ ít sai số hơn.   

Độ kiềm có ảnh hưởng như thế nào đến ao nuôi?

Mặc dù không gây nhiều tác động trực tiếp đến tôm nuôi nhưng khi độ kiềm biến đổi sẽ tác động đến các yếu tố môi trường nước khác như độ pH, mật độ tảo, các loại khí độc,… và gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe và tốc độ sinh trưởng của tôm. 

Khi độ kiềm cao, pH ít dao động nhưng lại khiến tôm chậm lớn, khó lột xác, vỏ cứng. Nếu độ kiềm trong ao nuôi thấp, độ pH biến động gây tình trạng tôm bị stress, tăng trưởng chậm, có thể gây chết tôm. Đặc biệt, độ kiềm trong ao nuôi thường bị tụt giảm vào mùa mưa, gây ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, tôm chậm lớn, giảm tỷ lệ sống và có thể bị mềm vỏ kéo dài. 

Tham khảo: Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm

Nguyên nhân và cách tăng/giảm kiềm ao nuôi tôm hiệu quả   

tăng/giảm kiềm ao nuôi tôm

Độ kiềm trong ao nuôi thấp

Nguyên nhân 

  • Nguồn nước có độ kiềm thấp 
  • Do ốc, vẹm, hến, nhuyễn thể 2 mảnh ăn tảo và hấp thụ muối carbonat trong ao nuôi 
  • Đáy ao nuôi bị nhiễm phèn (Tham khảo cách xử lý ao tôm nhiễm phèn)
  • Ao bị đóng rong, không có rong nổi, với trường hợp này cần thực hiện xử lý rong trước khi nâng kiềm 

Cách tăng độ kiềm 

  • Loại bỏ ốc đinh, vẹm, hến, nhuyễn thể 2 mảnh trong ao nuôi
  • Nếu ao nuôi bị đóng rong và nhiều tảo, dùng chế phẩm vi sinh cắt tảo, ổn định màu nước 
  • Sử dụng vôi Dolomite liều lượng 20 – 30kg/1.000 m3 để tăng kiềm  

Độ kiềm trong ao nuôi cao    

Nguyên nhân

  • Mật độ tảo trong ao nuôi cao, quá  trình quang hợp của tảo làm kiềm tăng nhanh
  • Bón vôi quá mức, nguồn nước cấp vào ao nuôi có độ kiềm cao
  • Khi độ kiềm trong ao nuôi cao (200-300 mg/L CaCO3), độ pH > 8.5 sẽ ngăn cản quá trình lột xác của tôm 

 Cách giảm độ kiềm 

  • Tiến hành thay nước 3 lần 1 tuần, khoảng 20 – 30% lượng nước trong ao để làm giảm độ kiềm   
  • Hạn chế bón vôi, thay vào đó có thể dùng EDTA để bón vào buổi tối với liều lượng 1kg/ 1000m2
  • Nếu ao nuôi không thể thay nước nên hạn chế quạt nước vào ban ngày, tiến hành xử lý cắt tảo cho ao nuôi và dùng các chế phẩm sinh học để phân hủy xác tảo, ổn định môi trường nước. 
  • Sử dụng giấm ăn với liều 1 lít/ 1000 m khối nước, và đo lại độ kiềm sau 2 giờ, điều chỉnh lượng dùng cho phù hợp

Ngoài độ kiềm, còn một số chỉ tiêu ảnh hưởng đến chất lượng nước ao nuôi khác bà con cần lưu ý như nhiệt độ, độ mặn, ph…Trong quá trình nuôi, hãy luôn chủ động theo dõi và kiểm soát chất lượng nguồn nước thật tốt để tạo môi trường thích hợp cho sự phát triển của tôm

Tham khảo: Cách tăng giảm ph ao nuôi tôm

Hy vọng những cách tăng/giảm kiềm ao nuôi tôm trên đây đã giúp bà con có thêm nhiều hướng xử lý hơn khi độ kiềm trong ao nuôi bị biến đổi. Ngoài ra, cần bổ sung các loại vitamin, khoáng chất,… vào thức ăn để giúp tôm tăng cường sức đề kháng, hạn chế bị ảnh hưởng trong điều kiện môi trường bất lợi. 

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký