tang cuong mien dich cho tom bang long do trung ga

Tăng cường miễn dịch cho tôm bằng lòng đỏ trứng gà

Để thay thế kháng sinh, ngày nay người ta thường tìm kiếm nhiều hơn về các sản phẩm sinh học, men vi sinh… để sử dụng trong quá trình nuôi tôm vì chúng an toàn, không gây ra hiện tượng kháng thuốc và cũng không lo ngại tồn dư độc hại trên tôm sau khi sử dụng. Và các nghiên cứu về ứng dụng kháng thể lòng đỏ trứng gà (IgY) để giúp tôm tăng cường miễn dịch, kháng lại vi khuẩn gây bệnh đã được thực hiện và đạt được kết quả tích cực.

IgY (Immunoglobulins Y) trong lòng đỏ trứng gà là gì?

IgY là loại kháng thể thường xuất hiện trong máu ở các loài chim, bò sát và cá có mang. Tên gọi IgY được G.A. Leslie và L.W đề xuất năm 1969. Trong lòng đỏ trứng gà cũng chứa hàm lượng IgY rất cao, do đó mà ngày nay gà đã trở thành một nguồn cung kháng thể IgY phổ biến. IgY còn có một số tên gọi khác như: IgG của gà, IgG lòng đỏ trứng, 7S-IgG.

01 tang cuong mien dich cho tom bang long do trung ga
Lòng đỏ trứng gà chứa hàm lượng kháng thể IgY cao

Về mặt cấu trúc, kháng thể IgY có trong lòng đỏ trứng gà tương đương với kháng thể IgG trong các loài động vật có vú, đó là được tổng hợp từ hai chuỗi nặng cộng với hai chuỗi nhẹ. Tuy nhiên, về cấu trúc của hai chuỗi nặng của hai loại kháng thể lại có sự khác biệt. Đối với kháng thể IgY, khối lượng phân tử rơi vào khoảng 65.100 đơn vị phân tử lượng (amu) và cao hơn nhiều so với kháng thể IgG, trong khi đó chuỗi nhẹ của kháng thể IgY có khối lượng phân tử khoảng 18.700 amu và thấp hơn so với IgG. Và độ linh hoạt phân tử của IgY cũng được đánh giá là kém hơn so với IgG.

Về mặt chức năng, kháng thể IgY có thể so sánh với các kháng thể IgG hoặc IgE. Thế nhưng, không giống với IgG, kháng thể IgY không gắn với Protein A, Protein G, hoặc thụ thể tế bào Fc, và IgY cũng không hoạt hóa hệ thống bổ thể.

Trong trường hợp một con gà đẻ trứng lặp đi lặp lại theo thời gian, lượng kháng thể IgY trong trứng thu được sẽ ngày một tăng lên. Một số nghiên cứu về khả năng đáp ứng miễn dịch chống lại các kháng nguyên như Vibrio parahaemolyticus, Vibrio harveyi, Vibrio anguillarum của IgY trong lòng đỏ trứng gà đã được thực hiện và kết quả cho thấy rằng IgY trên loài gà có khả năng chống lại các kháng nguyên này mạnh hơn các loài động vật có vú khác.

Với kết quả này, người ta đã áp dụng để sản xuất ra các kháng thể IgY đặc hiệu bằng cách tiêm các kháng nguyên đặc hiệu trên vào ức của gà mái, và kháng thể đặc hiệu sẽ được chuyển sang lòng đỏ trứng của trứng gà con để tạo ra kháng thể IgY. Kháng thể IgY đã được ứng dụng thành công trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu về chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị… do sự ổn định của việc sản xuất IgY (Xu et al., 2011).

IgY trong lòng đỏ trứng gà giúp tăng cường miễn dịch cho tôm như thế nào?

Dựa trên kết quả nghiên cứu về “ẢNH HƯỞNG CỦA CHẾ ĐỘ CHO ĂN KHÁNG THỂ LÒNG ĐỎ TRỨNG GÀ LÊN ĐÁP ỨNG MIỄN DỊCH VÀ KHẢ NĂNG ĐỀ KHÁNG BỆNH CỦA TÔM THẺ CHÂN TRẮNG (Penaeus vannamei)” được đăng trên Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 5B (2020), tôm thẻ chân trắng khi được cho ăn thức ăn có bổ sung kháng thể IgY trong lòng đỏ trứng gà có khả năng miễn dịch cao hơn tôm bình thường và có khả năng cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus (V. parahaemolyticus).

02 tang cuong mien dich cho tom bang long do trung ga
Tôm thẻ chân trắng được bổ sung kháng thể IgY trong lòng đỏ trứng gà có khả năng miễn dịch cao hơn tôm bình thường

V. parahaemolyticus là tác nhân chính gây nên bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm thẻ chân trắng (hay còn gọi là AHPND – Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease). Khả năng gây chết khi tôm mắc phải bệnh này có thể lên đến 100% sau thời gian thả giống khoảng 20 – 30 ngày (Lightner et al., 2012, 2013; Tran et al., 2013). Trong nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam, cùng với bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, hai loại bệnh cũng ngày càng phổ biến hơn là bệnh đốm trắng (WSSV – White Spot Syndrome Virus) và bệnh do vi bào tử trùng Enterporytozoon Hepatopenaei (EHP).

Sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh AHPND trên tôm thẻ chân trắng mà cụ thể là để loại bỏ vi khuẩn V. parahaemolyticus trở nên phổ biến. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh đã gây đến nhiều hệ lụy cho tôm, môi trường sinh thái và ngày càng tạo ra nhiều chủng vi khuẩn mới có khả năng kháng lại kháng sinh. Điều này đã vô tình làm cho việc điều trị bệnh bằng kháng sinh giảm hiệu quả và làm tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thu hoạch.

Do đó, để thay thế kháng sinh, ngày nay người ta thường tìm kiếm nhiều hơn về các sản phẩm sinh học, men vi sinh… để sử dụng trong quá trình nuôi tôm vì chúng an toàn, không gây ra hiện tượng kháng thuốc và cũng không lo ngại tồn dư độc hại trên tôm sau khi sử dụng. Và các nghiên cứu về ứng dụng kháng thể lòng đỏ trứng gà (IgY) để giúp tôm tăng cường miễn dịch, kháng lại vi khuẩn gây bệnh đã được thực hiện. Và kết quả cho thấy kháng thể IgY trong lòng đỏ trứng gà có thể giúp tôm tăng cường miễn dịch và chống lại vi khuẩn V. parahaemolyticus.

Cụ thể hơn về thí nghiệm kháng thể lòng đỏ trứng gà IgY trên tôm:

Một bên cho tôm thẻ chân trắng ăn thức ăn có bổ sung IgYA và IgYB (0,5%) trong 5 tuần, và một bên cho ăn bình thường để đối chứng. Sau 5 tuần, tôm thẻ chân trắng được tiến hành làm thí nghiệm cảm nhiễm với V. parahaemolyticus bằng phương pháp ngâm (sử dụng nồng độ V. parahaemolyticus đã được xác định là gây chết 50% tôm). Các điều kiện môi trường được giữ ổn định ở cả hai bể (độ mặn 15‰, nhiệt độ từ 28 – 30 độ C, oxy hòa tan > 4 mg/l). Thí nghiệm được thực hiện qua 4 nghiệm thức sau:

  • Nghiệm thức 1 (đối chứng âm): Tôm không bổ sung kháng thể lòng đỏ trứng gà và không cảm nhiễm V. parahaemolyticus.
  • Nghiệm thức 2 (đối chứng dương): Tôm không bổ sung kháng thể lòng đỏ trứng gà và cảm nhiễm V. parahaemolyticus.
  • Nghiệm thức 3: Tôm bổ sung kháng thể lòng đỏ trứng gà IgYA 0,5% và cảm nhiễm V. parahaemolyticus.
  • Nghiệm thức 4: Tôm bổ sung kháng thể lòng đỏ trứng gà IgYB 0,5% và cảm nhiễm V. parahaemolyticus.

Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Sau khi tiến hành cho tôm cảm nhiễm, tôm vẫn tiếp tục được bổ sung IgY tương ứng với mỗi nghiệm thức và được theo dõi về dấu hiệu bệnh và tỷ lệ chết trong 14 ngày. Khi có dấu hiệu nhiễm bệnh, tôm được đưa đi xét nghiệm PCR để xác định chính xác loại vi khuẩn gây ra.

Kết quả của thí nghiệm đối với tôm ở mỗi nghiệm thức:

  • Nghiệm thức 1: Tỷ lệ tôm chết là 1,11%.
  • Nghiệm thức 2: Tỷ lệ tôm chết là 52,22%.
  • Nghiệm thức 3: Tỷ lệ tôm chết là 45,56%.
  • Nghiệm thức 4: Tỷ lệ tôm chết là 21,11%.

Kết quả trên đã cho thấy tôm ở nghiệm thức 4 có tỷ lệ chết thấp nhất. Tỷ lệ chết tích lũy của tôm được thể hiện qua sơ đồ sau:

03 tang cuong mien dich cho tom bang long do trung ga
Biểu đồ tỷ lệ chết tích lũy của tôm thẻ chân trắng trong 14 ngày cảm nhiễm với vi khuẩn V.parahaemolyticus.

Hàm lượng IgY bao nhiêu là tốt nhất cho tôm?

Qua thí nghiệm trên có thể thấy rằng, tôm được bổ sung IgYB với hàm lượng 0,5% giúp tôm có tỷ lệ sống cao nhất (sau khi nhiễm vi khuẩn V.parahaemolyticus). Do đó, để tăng cường miễn dịch cho tôm, bà con có thể cân nhắc bổ sung trong khẩu phần ăn của tôm kháng thể lòng đỏ trứng gà IgYB 0,5% sẽ giúp tôm có tăng cường khả năng miễn dịch, tôm khỏe và phát triển tốt hơn.

Tham khảo: Tăng sức đề kháng cho tôm

Ngoài ra, để nuôi tôm khỏe và có đề kháng cao, môi trường nước nuôi cũng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu mà bà con cần quan tâm. Liên hệ ngay cho chúng tôi qua Hotline 0909 538 514 để được tư vấn chi tiết về các giải pháp sinh học giúp làm sạch nước và khử khí độc trong ao nuôi tôm hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký