Thường xuyên quan sát giúp bà con phát hiện sớm bệnh trên tôm từ đó có giải pháp xử lý kịp thời, giảm nguy cơ lây lan, giảm thiệt hại vụ nuôi. Dưới đây là các dấu hiệu giúp bà con nhận diện sớm tình trạng tôm cũng như hướng xử lý phù hợp.
Các nội dung chính
Tôm có hiện tượng bất thường
Bệnh trên tôm báo hiệu bằng những hiện tượng bất thường như tấp mé, nổi đầu, chim bắt mồi,… Khi tôm có những dấu hiệu này cho thấy ao tôm đang có vấn đề như thiếu oxy, ô nhiễm hoặc thậm chí là tôm đang nhiễm bệnh. Lúc này bà con cần đo hàm lượng oxy và các chỉ tiêu trong ao như pH, DO, H2S, NO2, NH3,… Nếu các chỉ tiêu này vẫn trong giới hạn thì bà con nên lấy mẫu tôm để kiểm tra xem tôm có đang mắc bệnh nguy hiểm nào không từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Tôm chán ăn
Tôm chán ăn, thậm chí là bỏ ăn có nhiều nguyên nhân như chất lượng thức ăn kém, cho ăn chỗ ít chỗ nhiều, môi trường ao thay đổi, tôm bị stress hoặc tôm đang bị nhiễm độc hay đang mắc các bệnh nghiêm trọng như teo gan, phân trắng, phân đứt khúc, bệnh đóng rong,… Nhìn chung, dù lý do gì, khi bà con quan sát nhá thấy tôm có dấu hiệu chán ăn thì cần kiểm tra ngay. Cụ thể bà con xem phân tôm nếu không bị đứt đoạn thì tôm vẫn đang sinh trưởng tốt, kiểm tra các yếu tố về môi trường, nhiệt độ,… để điều chỉnh.
Ngoại hình tôm bất thường
Một số bệnh trên tôm dễ dàng nhận biết qua đặc điểm ngoại hình. Chẳng hạn nếu tôm đổi màu thân, mang hoặc bị cong thân, đục cơ, mềm vỏ (trừ giai đoạn lột xác) hay phồng rộp,…
- Đốm đen trên vỏ: Chủ yếu do vi khuẩn hoặc virus đi kèm gan tụy vàng hơn bình thường, hoặc cũng có thể do tôm bị tổn thương vật lý.
- Phụ bộ đổi màu: Cơ bụng và đuôi trắng đục có thể có hiện tượng hoại tử và đỏ ở vùng cơ là biểu hiện của bệnh IMNV. Nếu tôm chỉ có chân đuôi đỏ thì thường do Taura và vi khuẩn. Ngoài chân bơi, chân bò của tôm có màu nâu đen, đen hoặc tái là do môi trường ô nhiễm.
- Màu mang thay đổi: Mang đen chủ yếu do nền đáy ao bẩn tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm hoặc nguyên sinh động vật phát triển. Mang vàng có thể do virus bệnh đầu vàng. Mang đỏ chủ yếu do thiếu oxy. Đục cơ nếu đi kèm cong thân chủ yếu do môi trường ao nhiễm bẩn. Mang màu trắng đục và có điểm hoại tử nhỏ ở đuôi là do virus hoặc vi khuẩn Bacillus cereus.
- Tôm mềm vỏ: Có thể do thiếu khoáng, nhiễm virus hoặc giai đoạn mãn tính bệnh vi bào tử trùng.
- Gan, tụy: Nếu tôm bị bệnh về gan tụy thì gan tụy thường đổi màu sắc và hình dạng, ví dụ như gan teo, chai, dai, gan vàng nhạt hoặc trắng.
- Cơ thể tôm biến dạng: Ví dụ như vểnh mang (do vi khuẩn), cong thân và đục kết (do stress hoặc thiếu khoáng), dị hình chủy đầu, phụ bộ, sống lưng là do bệnh IHHNV.
Đường ruột tôm bất thường
Khi nuôi tôm bà con nên thường xuyên quan sát đường ruột tôm để đánh giá sức khỏe cũng như chủ động phòng bệnh trên tôm. Nếu tôm phát triển tốt, đường ruột sẽ đầy, có màu vàng nhạt hoặc màu vàng sáng, ngược lại nếu đường ruột tôm ngắn, đứt đoạn chứng tỏ tôm đang thiếu ăn hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh. Nếu đường ruột tôm màu đỏ, hồng chứng tỏ trong tôm đang mang bệnh, đường ruột tái hoặc trắng đục là khi ruột rỗng, không có thức ăn. Dấu hiệu này cho thấy tôm đang nhiễm bệnh. bà con cần tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để điều trị kịp thời.
Sinh vật bám trên tôm
Nếu bà con phát hiện tôm chậm lớn khó lột, khi quan sát thấy có sinh vật bám bên ngoài vỏ tôm có thể do bacteria, protozoans hoặc tảo. Trong đó Bacteria, protozoans là do hàm lượng chất hữu cơ cao, ao bẩn. Khi sinh vật bám trên vỏ chúng thường gom cặn bẩn và bề ngoài tôm có màu xanh rêu hoặc bùn. Nếu tôm khỏe chúng sẽ tự làm sạch và sau khi lột xác thì hiện tượng đóng rong sẽ biến mất, ngược lại tôm không khỏe quá trình lột xác sẽ khó và không thường xuyên.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi bà con có thể tiến hành kiểm tra thời gian đông máu của tôm, nếu tôm khỏe thời gian đông sẽ từ 10-30s, nếu thời gian vượt quá 30s thì có thể tôm đang nhiễm khuẩn.
Bệnh trên tôm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bà con cần biết được nguyên nhân gây bệnh chính để xử lý triệt để. Đồng thời nên ưu tiên các phương pháp chủ động phòng ngừa bệnh như sử dụng vi sinh thay vì điều trị hay lạm dụng kháng sinh. Điều này sẽ giúp bà con nuôi tôm dễ dàng và tiết kiệm hơn rất nhiều chi phí, công sức theo thời gian.
Hy vọng những chia sẻ trên hữu ích với bà con, để được hỗ trợ tư vấn bà con liên hệ ngay cho đội ngũ của Biogency qua Hotline 0909 538 514.
>>> Xem thêm: Các biện pháp giúp phòng bệnh cho tôm sau bão hiệu quả
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh