Quy trình xử lý nước thải giặt tẩy đạt chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT

Quy trình xử lý nước thải giặt tẩy đạt chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT

Đối với các hoạt động giặt tẩy công nghiệp, nước thải đầu ra cần đảm bảo theo quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT. Thông số cụ thể cũng như quy trình xử lý nước thải giặt tẩy cơ bản được trình bài ở bài viết sau.

Thành phần, tính chất nước thải giặt tẩy

Để xử lý nước thải giặt tẩy hiệu quả nhà vận hành cần nắm rõ thành phần, tính chất nước thải. Đặc biệt ngành giặt tẩy lại là ngành tiêu thụ lượng nước khổng lồ, sử dụng nhiều chất tẩy khác nhau, do đó tính chất và lưu lượng nước thải thay đổi tuỳ theo sản phẩm giặt, công đoạn giặt tẩy,…

Quy trình xử lý nước thải giặt tẩy đạt chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT
Ngành giặt tẩy tiêu thụ lượng nước lớn và chất tẩy.

Nhìn chung, trong nước thải giặt tẩy chứa nhiều chất liệu của bột giặt gồm:

  • Chất hoạt động bề mặt.
  • Chất tẩy trắng.
  • Các chất tăng bọt.

Ngoài ra, nước thải giặt tẩy còn chứa nhiều cặn lơ lửng (SS), các sợi vải nhỏ trong quá trình giặt. Các chất hoạt động bề mặt trong nước thải giặt tẩy là chất bền sinh học, vì vậy chúng cần được xử lý trước khi thải ra môi trường. Nếu không sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng hệ sinh thái thủy sinh vật và chất lượng môi trường sống của người dân xung quanh.

Tóm lại, nước thải sản xuất của ngành giặt tẩy có những đặc điểm, tính chất sau: pH cao, chứa các chất giặt tẩy, sợi vải lơ lửng, độ màu, độ đục, tổng chất rắn, hàm lượng chất hữu cơ cao,…

Quy chuẩn cần đáp ứng đối với nước thải giặt tẩy

Đối với các hoạt động giặt tẩy công nghiệp, nước thải đầu ra cần đảm bảo theo quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT. Các thông số cụ thể được thể hiện qua bảng sau:

Bảng giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp:

TT Thông số Đơn vị Giá trị C
A B
1 Nhiệt độ °C 40 40
2 Màu Pt/Co 50 150
3 pH 6 – 9 5,5 – 9
4 BOD5 (20 độ C) mg/l 30 50
5 COD mg/l 75 150
6 Chất rắn lơ lửng mg/l 50 100
7 Asen mg/l 0,05 0,1
8 Thuỷ ngân mg/l 0,005 0,01
9 Chì mg/l 0,1 0,5
10 Cadimi mg/l 0,05 0,1
11 Crom (VI) mg/l 0,05 0,1
12 Crom (III) mg/l 0,2 1
13 Đồng mg/l 2 2
14 Kẽm mg/l 3 3
15 Niken mg/l 0,2 0,5
16 Mangan mg/l 0,5 1
17 Sắt mg/l 1 5
18 Tổng xianua mg/l 0,07 0,1
19 Tổng phenol mg/l 0,1 0,5
20 Tổng dầu mỡ khoáng mg/l 5 10
21 Sunfua mg/l 0,2 0,5
22 Florua mg/l 5 10
23 Amoni (tính theo N) mg/l 5 10
24 Tổng nitơ mg/l 20 40
25 Tổng phốt pho (tính theo P) mg/l 4 6
26 Clorua
(không áp dụng khi xả vào nguồn nước mặn, nước lợ)
mg/l 500 1000
27 Clo dư mg/l 1 2
28 Tổng hoá chất bảo vệ thực vật clo hữu cơ mg/l 0,05 0,1
29 Tổng hoá chất bảo vệ thực vật phốt pho hữu cơ mg/l 0,3 1
30 Tổng PCB mg/l 0,003 0,01
31 Coliform vi khuẩn/100ml 3000 5000
32 Tổng hoạt độ phóng xạ α Bq/l 0,1 0,1
33 Tổng hoạt độ phóng xạ β Bq/l 1,0 1,0

Trong đó:

  • Cột A quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả vào nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.
  • Cột B quy định giá trị C của các thông số ô nhiễm trong nước thải công nghiệp khi xả vào nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

Quy trình xử lý nước thải giặt tẩy

Nước thải giặt tẩy có thể được xử lý bằng nhiều cách khác nhau, mỗi phương pháp cũng đem lại chất lượng nước thải sau xử lý khác nhau, tùy từng yêu cầu về chất lượng nước thải sau xử lý mà có thể sử dụng các quy trình xử lý phù hợp. Dưới đây, Biogency xin giới thiệu quy trình xử lý nước thải giặt tẩy cơ bản giúp nước thải đầu ra đạt chuẩn B theo QCVN 40:2011/BTNMT.

Quy trình xử lý nước thải giặt tẩy đạt chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT
Sơ đồ quy trình xử lý nước thải giặt tẩy.

Thuyết minh sơ đồ quy trình xử lý nước thải giặt tẩy:

  • Bể thu gom: Nước thải giặt tẩy được chuyển về bể thu gom, sau đó được bơm lên bể điều hòa.
  • Bể điều hòa: Có vai trò ổn định lưu lượng và tính chất nước thải. Thông thường bể sẽ được thiết kế thêm hệ thống thổi khí hoặc máy khuấy trộn nhằm xáo trộn dòng thải và oxy hóa sơ bộ các chất hữu cơ, từ đó tránh sự phát sinh vi khuẩn khi phân hủy gây nên mùi hôi khó chịu. Bên cạnh đó, bể điều hòa cũng có vai trò là bể chứa nước thải mỗi khi hệ thống dừng lại để sửa chữa hoặc bảo trì. Nước được giữ lại với thời gian lưu đủ để xử lý 10% COD, 10% BOD. Nước thải sau khi đã được ổn định sẽ được bơm qua bể keo tụ – tạo bông.
Quy trình xử lý nước thải giặt tẩy đạt chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT
Bể điều hoà là bể chứa nước thải mỗi khi hệ thống dừng lại để sửa chữa hoặc bảo trì.
  • Bể keo tụ tạo bông: Do nước thải chứa lượng chất rắn lơ lửng quá lớn, do vậy cần keo tụ tạo bông. Tại bể keo tụ tạo bông, nước thải sẽ được hòa trộn với hóa chất keo tụ và trợ keo tụ. Các hợp chất lơ lửng trong nước thải sẽ kết thành cụm lại với nhau để tạo thành những hạt có kích thước lớn và dễ lắng hơn.
  • Quá trình keo tụ tạo bông: Đầu tiên nước thải được bơm vào ngăn khuấy trộn. Ở môi trường này, hóa chất keo tụ và hóa chất điều chỉnh pH được bổ sung vào tạo điều kiện cho quá trình keo tụ xảy ra. Motor cánh khuấy điều chỉnh ở tốc độ nhanh để hóa trộn đều hóa chất vào nước thải. Nước thải được dẫn sang ngăn tạo bông. Tại đây, hệ thống châm hóa chất sẽ bổ sung hóa chất trợ keo tụ (polymer) để nâng tối đa hiệu quả keo tụ, motor cánh khuấy được điều chỉnh ở tốc độ thích hợp để quá trình tạo bông tiếp diễn, đồng thời tránh làm vỡ bông cặn. Nước thải cùng với bông cặn được dẫn vào bể lắng 2 để loại bỏ bông cặn.
  • Bể lắng 2: Tại đây các bông cặn lớn sẽ lắng. Phần cặn lắng ở dưới đáy bể sẽ được đưa sang bể chứa bùn và xử lý định kỳ.
  • Bể trung gian: Bể trung gian có nhiệm vụ chứa nước sau bể lắng để bơm lên thiết bị lọc áp lực để loại bỏ chất rắn.
  • Bể lọc áp lực: Ở bể lọc áp lực, các hạt cặn còn sót lại trong quá trình xử lý sẽ bị giữ lại khi đi qua các lớp vật liệu lọc. Điều này nhằm loại bỏ chúng ra khỏi dòng nước. Vật liệu lọc thường là cát thạch anh, than hoạt tính… Nước tiếp tục chảy sang bể khử trùng để loại bỏ các loại vi sinh vật có thể gây nên bệnh trong nước thải.
  • Bể khử trùng: Tại bể khử trùng, tiến hành châm chlorine theo liều lượng và nồng độ thích hợp để xử lý các vi khuẩn có hại trong nước. Nước sau xử lý phải đạt QCVN 40:2011/BTNMT.
  • Bể chứa bùn: Phần nước tràn được dẫn về bể điều hòa để tiếp tục xử lý. Bùn trong bể chứa sẽ được thu gom định kỳ và xử lý đúng theo quy định.

Quy trình xử lý nước thải giặt tẩy không quá phức tạp, tuy nhiên đòi hỏi phải sử dụng lượng lớn hóa chất vừa tốn kém đồng thời đòi hỏi người vận hành cần chú ý để đảm bảo an toàn.

Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích đến bạn!

>>> Xem thêm: 7 nguyên tắc sử dụng hóa chất trong xử lý nước thải

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký