Xây dựng hệ thống xử lý nước thải là yêu cầu bắt buộc đối với các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp có sản sinh ra nước thải từ quy trình sản xuất nhằm đảm bảo các yêu cầu về quy định xả thải. Vậy một hệ thống xử lý nước thải hiệu quả sẽ bao gồm những công đoạn nào? Biogency sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về hệ thống xử lý nước thải.
Các nội dung chính
Hệ thống xử lý nước thải là gì?
Hệ thống xử lý nước thải (Waste water treatment system) là khái niệm chung để chỉ một hệ thống bao gồm các hạng mục công trình và thiết bị đi kèm để xử lý các chất bẩn, chất ô nhiễm có trong nước thải (nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện…) đáp ứng tiêu chuẩn xả thải theo đúng quy định của Bộ TN&MT, nhằm mục đích bảo vệ môi trường và tái sử dụng nguồn nước đã được xử lý.
Một hệ thống xử lý nước thải về cơ bản sẽ được thiết kế để loại bỏ các thành phần ô nhiễm sau:
- Nhu cầu Oxy sinh học (BOD): Lượng Oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất hữu cơ dễ phân hủy bởi vi sinh vật.
- Nhu cầu Oxy hóa học (COD): Lượng Oxy cần thiết để oxy hóa các hợp chất trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ.
- Tổng Nitơ và Photpho
- Vi sinh Coliform
- Chất rắn lơ lửng (TSS): Lượng chất rắn không tan và khó lắng trong nước
- Các mầm bệnh, kim loại, hóa chất tổng hợp…
Tham khảo: Vận hành hệ thống xử lý nước thải
Tùy thuộc vào tính chất nước thải, nhu cầu xử lý, các tiêu chuẩn xả thải… mà mỗi đơn vị, nhà máy, doanh nghiệp sẽ tính toán để xây dựng hệ thống xử lý nước thải phù hợp với các công nghệ xử lý mang lại hiệu quả tối ưu cả về chất lượng và chi phí đầu tư.
Tham khảo: Các chỉ tiêu đánh giá chất lượng nước thải
Hệ thống xử lý nước thải gồm những công đoạn cơ bản nào?
Không phải hệ thống xử lý nước thải nào cũng như nhau. Tùy thuộc vào đặc điểm nước thải, yêu cầu xả thải của từng lĩnh vực mà hệ thống xử lý nước thải sẽ được xây dựng với các công đoạn phù hợp để mang lại hiệu quả xử lý cao. Tuy nhiên nhìn chung, một hệ thống xử lý nước thải điển hình sẽ bao gồm các công đoạn sau:
- Xử lý cơ học, vật lý:
Đây là công đoạn đầu tiên nhằm loại bỏ các chất không tan, chất rắn có kích thước lớn ở dạng lơ lửng. Để loại bỏ chúng, các phương pháp thông dụng có thể kể đến như lọc qua song chắn rác, lưới chắn rác, lắng cát, tuyển nổi, tách dầu mỡ… Công nghệ được lựa chọn tùy thuộc vào kích thước, tính chất lý hóa, đặc điểm của chất lơ lửng có trong nước thải.
- Xử lý hóa lý
Sau khi loại bỏ chất thải có kích thước lớn sẽ đến công đoạn xử lý hóa lý để điều chỉnh pH, loại bỏ các chất lơ lửng kích thước nhỏ, kim loại nặng, các chất vô cơ.
- Xử lý sinh học
Công đoạn thứ 3 là xử lý sinh học để loại bỏ các chất hữu cơ hòa tan trong nước như H2S, Sunfit, Amoni, Nitơ, Photpho… Tùy vào tính chất nước thải trong hệ thống sẽ áp dụng phương pháp xử lý sinh học kỵ khí, thiếu khí, hiếu khí…
Tham khảo: Bảo trì hệ thống xử lý nước thải định kỳ
Các hệ thống xử lý nước thải tối ưu nhất hiện nay
Một hệ thống xử lý nước thải tối ưu khi giải quyết được các thành phần ô nhiễm, độc hại có trong nước thải đạt tiêu chuẩn xả thải. Đồng thời cần tối ưu được chi phí xây dựng, lắp đặt, dễ dàng nâng cấp hay thay đổi khi cần. Dưới đây là các hệ thống xử lý nước thải mà các đơn vị doanh nghiệp, nhà máy… có thể tham khảo để lựa chọn và áp dụng.
Tên hệ thống | Tác dụng |
1. Hệ thống điều lưu | Kiểm soát biến động của nước thải |
2. Hệ thống trung hòa | Cân bằng độ pH |
3. Hệ thống keo tụ và tạo bông cặn | Cải thiện khả năng tạo bông cặn |
4. Hệ thống kết tủa | Loại bỏ kim loại nặng ra khỏi nước thải |
5. Công nghệ tuyển nổi | Loại bỏ các chất có khả năng nổi trên mặt nước |
6. Bể lắng | Loại bỏ chất rắn lơ lửng, chất ô nhiễm ra khỏi nước |
7. Công nghệ sinh học hiếu khí | Phân hủy, hòa tan các chất hữu cơ có trong nước |
8. Hệ thống xử lý nước thải cấp 3 | Loại bỏ chất độc hại có trong nước ra ngoài |
Song song với hệ thống xử lý nước thải là các công nghệ xử lý nước thải mà doanh nghiệp cần quan tâm như:
- Công nghệ MBBR: Sự kết hợp giữa bể Aerotank truyền thống và lọc sinh học hiếu khí. Ưu điểm là hiệu quả xử lý cao, tiết kiệm diện tích. Áp dụng cho nước thải sinh hoạt, y tế, thủy hải sản, công nghiệp, dệt nhuộm. Bể MBBR có 2 loại là MBBR hiếu khí và MBBR thiếu khí, đảm bảo cho quá trình xử lý Nitơ
- Công nghệ AAO: Kết hợp giữa 3 hệ vi sinh kỵ khí, thiếu khí và hiếu khí. Ưu điểm chi phí vận hành thấp, có thể di dời khi chuyển địa điểm, tăng công suất khi cần. AAO được áp dụng trong các hệ thống xử lý nước thải bệnh viện, chung cư, sinh hoạt…
- Công nghệ MBR: Kết hợp giữa màng lọc với công nghệ xử lý nước thải sinh học hiếu khí. Ưu điểm không cần bể lắng, không cần tiệt trùng, đơn giản, dễ điều chỉnh, dễ kiểm soát, bảo trì
- Công nghệ SBR: Công nghệ xử lý nước thải chứa chất hữu cơ và Nitơ cao, dễ vận hành, dễ lắp đặt và nâng cấp.
Một hệ thống xử lý nước thải đạt hiệu quả khi xử lý tốt các chất ô nhiễm, đáp ứng chỉ tiêu xả thải theo quy định. Trên thực tế không phải hệ thống nào cũng mang lại hiệu quả như ý muốn. Điều này còn tùy thuộc vào sự phù hợp, cách vận hành và xử lý các sự cố của từng đơn vị.
>>> Tham khảo thêm : Vi sinh vật xử lý nước thải là gì? Quy trình xử lý và ứng dụng
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh