các bệnh ở tôm

Các bệnh ở tôm phổ biến và cách phòng bệnh hiệu quả

Tôm là loại thủy sản đòi hỏi kỹ thuật nuôi cao và người nuôi tôm cần phải theo dõi, kiểm soát môi trường nước cũng như thể trạng của tôm thường xuyên để phòng ngừa các yếu tố gây bệnh cho tôm. Các bệnh ở tôm rất đa dạng vì thế bà con cần nắm rõ đặc điểm và cách phòng trị của từng loại bệnh để chữa trị thời, giúp tôm nhanh chóng khỏe mạnh và phát triển tốt hơn. Dưới đây là những bệnh phổ biến mà tôm thường gặp, bà con tham khảo ngay nhé! 

Nguyên nhân gây ra các bệnh ở tôm

Các yếu tố sinh học như hệ thực vật vi khuẩn có trong ao và chất lượng nước ao đóng một vai trò đối với tính nhạy cảm của tôm đối với mầm bệnh.

Bệnh đốm trắng (WSSV) 

Tôm bị bệnh đốm trắng là một trong những loại bệnh rất nguy hiểm đối với tôm nuôi, có nguy cơ khiến tôm tử vong hàng loạt. Tỷ lệ tử vong có thể xảy ra từ 80 – 100% chỉ sau vài ngày phát hiện. Do vậy việc phát hiện bệnh sớm để kịp thời chữa trị là rất quan trọng. 

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh đốm trắng ở tôm có thể xuất hiện do cơ thể tôm bị xâm nhập bởi virus White spot syndrome virus (WSSV) hoặc vi khuẩn Bacterial White Spot Syndrome (BWSS). Ngoài ra, môi trường cũng có thể là nguyên nhân khiến tôm bị nhiễm bệnh đốm trắng. Khi độ cứng trong nước cao ( Ca2+ và Mg2+ cao), nếu tôm hấp thụ lượng lớn Ca2+ và Mg2+ sẽ làm nổi những đốm trắng trên vỏ tôm.   

Triệu chứng

Tôm bị nhiễm đốm trắng cho WSSV
Tôm bị nhiễm đốm trắng cho WSSV

Khi phát hiện tôm có những đốm trắng ở vỏ cần tiến hành kiểm tra nguyên nhân gây bệnh nhanh chóng để đưa ra cách xử lý phù hợp. Có thể thực hiện xét nghiệm PCR WSSV cho tôm để biết chính xác tôm có dương tính với WSSV hay không. Nếu kết quả dương tính, tùy vào tình hình của tôm mà bà con thể nuôi tiếp và tìm biện pháp xử lý phù hợp hoặc tiến hành thu hoạch tôm ngay. 

  • Biểu hiện tôm bị nhiễm đốm trắng do virus WSSV: Trên thân tôm sẽ xuất hiện rất nhiều đốm trắng to khoảng 0.5 – 2.0mm, nhất là ở phần đốt bụng thứ 5, 6 hoặc phần giáp vỏ đầu ngực của tôm. Một số trường hợp, tôm còn bị đỏ thân. Khi nhiễm bệnh, tôm sẽ bơi lờ đờ, ăn nhiều đột ngột, sau đó bỏ ăn. Nếu bệnh kéo dài 3 – 10 ngày, tỷ lệ tử vong của tôm có thể lên đến 100%. 
  • Biểu hiện khi tôm bị nhiễm vi khuẩn BWSS: So với tôm nhiễm virus WSSV, tôm sau khi nhiễm khuẩn BWSS sẽ xuất hiện những đốm trắng tròn mờ đục trên vỏ và có mật độ ít hơn. Tôm nhiễm khuẩn vẫn ăn mồi và lột vỏ bình thường. Đôi khi việc lột vỏ còn làm mất đi những đốm trắng. Nếu bệnh nhiễm nặng, tôm chậm lột vỏ, chậm lớn và có thể chết rải rác. Phần lớn chúng bị đóng rong và đen mang. Có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với WSSV. 
  • Biểu hiện của tôm nhiễm đốm trắng do các yếu tố môi trường: Nếu phát triển tôm có đốm trắng ở vỏ sống lưng và vỏ đầu ngực mà không gây ảnh hưởng nhiều đến sức ăn của tôm, chúng vẫn hoạt động và ăn ở mức bình thường thì nguyên nhân gây bệnh là do môi trường chứ không phải do BWSS hay WSSV. Khi nhiễm bệnh do môi trường, quá trình sinh trưởng của tôm sẽ chậm, chu kỳ lột xác cũng lâu hơn bình thường.

Cách phòng bệnh

  • Nuôi tôm vào vụ thích hợp, không nên thả tôm nuôi vào mùa lạnh
  • Xét nghiệm và chọn tôm giống chất lượng, không bị nhiễm WSSV (Tham khảo cách chọn tôm giống chất lượng)
  • Nước cấp vào ao nuôi phải qua ao lắng để lọc, không cấp trực tiếp nước tự nhiên vào ao
  • Theo dõi và kiểm soát chặt chẽ môi trường nước trong ao
  • Xây dựng rào, giăng lưới xung quanh ao nuôi để hạn chế tác nhân chuyên chở mầm bệnh vào ao nuôi như chim, cua còng và các loài giáp xác hoang dã khác.  

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND) 

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính ở tôm (AHPND) hay còn được gọi là hội chứng tôm chết sớm (bệnh EMS trên tôm). Đây là một trong những loại bệnh rất nguy hiểm ở tôm, có thể gây thất thu cho bà con nuôi tôm. 

Nguyên nhân gây bệnh

Vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh hoại tử gan tụy ở tôm. 

Triệu chứng

Tôm sú nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp tính
Tôm sú nhiễm bệnh hoại tử gan tụy cấp tính

Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính khiến gan tụy tôm bị teo, có màu nhợt nhạt đến trắng. Vỏ tôm mềm. Ruột tôm bị đứt đoạn hoặc không có thức ăn. Tôm sú nếu mắc bệnh sẽ có màu đậm và chậm lớn. Tôm bệnh có thể được chia làm hai giai đoạn: 

  • Chết dưới 35 ngày tuổi: do tôm giống kém chất lượng hoặc đã bị nhiễm bệnh ở trại giống.
  • Chết ở giai đoạn từ 35 – 60 ngày tuổi: do điều kiện ao nuôi kém, thiếu cân bằng khoáng chất Ca, Mg, K trong ao, không đủ DO, pH thấp,…  

Cách phòng bệnh

  • Chọn giống tôm khỏe mạnh, chất lượng
  • Kiểm tra chặt chẽ nước ao nuôi, đất và tôm giống để đảm bảo mật độ vi khuẩn Vibrio ở mức an toàn
  • Nuôi luân canh giữa tôm và các giống loài khác để hạn chế khả năng mắc bệnh
  • Có thể nuôi ghép tôm và các loại cá  để tạo quần thể vi sinh có lợi, ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn Vibrio (vì vi khuẩn sẽ bị cạnh tranh về dinh dưỡng và môi trường sống với các thủy sản nuôi trong ao). 
  •  Hạn chế sử dụng các loại kháng sinh 

Bệnh đầu vàng (YHV)

Bệnh đầu vàng thường xuất hiện ở tôm vào giai đoạn thời tiết thay đổi giao mùa hay khi tôm được nuôi ở vùng ven biển, có độ mặn cao. 

Nguyên nhân gây bệnh

Do phức hợp virus gây bệnh đầu vàng (yellow head virus – YHV) và virus gây hội chứng liên quan đến mang (gill-associated virus – GAV)

Triệu chứng

Tôm sú nhiễm bệnh đầu vàng
Tôm sú nhiễm bệnh đầu vàng

Khi tôm mắc bệnh đầu vàng, bà con sẽ phát hiện mang của chúng chuyển sang màu vàng hoặc màu nâu, sưng tuyến tiêu hóa, phần đầu ngực tôm vàng và toàn thân sẽ trở nên nhợt nhạt. Tỷ lệ tôm chết do bệnh đầu vàng rất cao. Sau 3-5 ngày nhiễm bệnh, tỷ lệ tôm chết có thể lên đến 100%. 

Cách phòng bệnh

  • Chọn lọc và kiểm tra nguồn tôm giống cẩn thận trước khi thả nuôi
  • Duy trì chất lượng nguồn nước nuôi tôm ở mức tối ưu, quản lý tốt môi trường xung quanh ao nuôi 
  • Xử lý các chất thải trong ao nuôi thường xuyên

Bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô

Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô là bệnh có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào trong vụ nuôi tôm. Bà con chú ý theo dõi tôm hàng ngày để phát hiện bệnh kịp thời.

Nguyên nhân gây bệnh

Infectious hypodermal and hematopoietic necrosis virus (IHHNV) chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan lập biểu mô của tôm. Loại virus này thuộc họ Parvoviridae, giống Brevidensovirus. 

Triệu chứng

tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh IHHNV
Dấu hiệu cong queo, phần đuôi dị hình, biến dạng khi tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh IHHNV
  • Đối với tôm thẻ chân trắng: Virus IHHNV có thể khiến tôm thẻ chân trắng bị dị hình ở các phụ bộ phần đầu ngực, chủy đầu, sống lưng và đuôi. Vỏ tôm trở nên thô ráp, sần sùi, tôm còi cọc, râu quăn queo, tốc độ tăng trưởng có thể giảm từ 10 – 30%. 
  • Đối với tôm sú: Khi mắc bệnh cơ thể tôm sú thường chuyển màu sang xanh, bụng trắng đục và chết nhiều trong vòng 10 – 20 sau khi thả giống. 
  •  IHHNV khiến tôm phát triển chậm, kích thước nhỏ, không đồng đều. Do vậy tôm thu hoạch không đạt năng suất cao. 

Cách phòng bệnh

  • Thả tôm giống khỏe mạnh, đã kiểm tra không nhiễm IHHNV bằng phương pháp PCR.
  • Giữ nguồn nước ao tốt, ngăn chặn các vật trung gian mang mầm bệnh trong ao như cua còng, chim,… 

Bệnh phân trắng

Bệnh phân trắng ở tôm là bệnh thường gặp ở tôm khi nuôi được 40 ngày trở lên. Bệnh có khả năng lây lan nhanh khiến hiệu quả nuôi tôm giảm suất. 

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân dẫn đến bệnh phân trắng của tôm vẫn chưa được xác định. Thông thường, bệnh có thể xuất hiện khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ kéo dài trên 32 độ C, DO trong nước <3ppm, nồng độ các chất hữu cơ cao > 100 ppm, nồng độ Vibrio cao > 1 x 102 CFU/ml, độ kiềm < 80 ppm và > 200 ppm.

Ngoài ra một số yếu tố khác có thể khiến tôm bị bệnh phân trắng như: thức ăn kém chất lượng, tảo độc, ký sinh trùng Gregarine, vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei, nhóm vi khuẩn Vibrio. 

Triệu chứng

Tôm mắc bệnh phân trắng
Sợi phân trắng khi tôm bị nhiễm bệnh

Tôm nhiễm bệnh sẽ thải phân trắng, đôi khi cũng xuất hiện dạng phân màu vàng nhạt. Bệnh phân trắng khiến gan tụy tôm teo lại, mềm nhũn. Ngoài ra, vỏ tôm cũng sẽ bị mềm đi. Tôm nhiễm bệnh sẽ có dấu hiệu bơi lờ đờ trên mặt nước, yếu dần và dẫn đến chết. 

Cách phòng bệnh

  • Giảm mật độ tôm nuôi trong mùa nắng nóng (điều này sẽ hạn chế lượng vật chất hữu cơ dưới đáy ao và ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn Vibrio spp). 
  • Hạn chế sự phát triển của nhóm vi khuẩn Vibrio spp gây bệnh bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học có chứa vi khuẩn Bacillus subtilis 
  • Nuôi ghép tôm cùng cá rô phi để kiểm soát tốt nhóm vi khuẩn Vibrio trong nước
  • Dùng 5 – 10g tỏi/ kg thức ăn để hạn chế trùng hai tế bào. 

Bệnh hoại tử cơ, trắng đuôi, đục cơ 

Bệnh hoại tử cơ và đục cơ rất hay xuất hiện ở tôm. Bệnh được hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. 

Nguyên nhân gây bệnh và triệu chứng

Tôm bị đục cơ do vận chuyển, sang ao 

Khi thực hiện sang ao cho tôm, việc dùng lưới bắt tôm có thể khiến những con tôm yếu bị stress và chuyển màu 1 phần hay toàn bộ cơ thể sang màu trắng đục. Một số trường hợp, trên thân tôm còn có thể pha lẫn màu sắc khác như màu đỏ hồng hoặc màu cam. Những con tôm có màu khác lạ có khả năng chết rất cao. Nếu nhiễm bệnh nhẹ, tôm sẽ mất vài ngày để hồi phục và trở lại bình thường. Để phòng bệnh cho tôm, khi vận chuyển tôm bà con nên dùng nước có nhiệt độ 24 – 25 độ C và có hàm lượng oxy cao. Ngoài ra, nếu phát hiện có tôm đang bị nhiễm bệnh bà con cần hoãn ngay việc vận chuyển hay sang ao tôm.

Tôm bị cong thân và đục cơ

Thói quen sử dụng sàng, vó để kiểm tra tôm vào thời điểm nắng nóng trong ngày của bà con nuôi tôm sẽ dễ khiến tôm dễ bị cong thân đục cơ. Khi tôm được bắt lên bằng sàng, vó chúng sẽ có phản xạ nhảy lên và búng mạnh, nhiều con do vậy mà bị cong thân, phần đuôi cong chạm giáp ngực. Lúc này, mô cơ chạy dọc cơ thể sẽ biến thành màu trắng đục. Khi thả tôm lại xuống nước, chúng không thể co dãn như ban đầu nên sẽ chết. 

Đục cơ ở tôm thẻ chân trắng
Đục cơ ở tôm thẻ chân trắng

Ngoài ra, việc bật tắt đột ngột các máy quạt nước trong ao cũng là nguyên nhân khiến tôm bị đục cơ. Tôm rất dễ bị sốc hay giật mình bởi các tiếng động từ máy quạt nước, vì vậy, theo bản năng chúng sẽ nhảy lên khỏi bề mặt nước, tiếp xúc với không khí và bị đục cơ. Để hạn chế tình trạng này, khi tôm đạt 10 gram/ con trở lên, bà con không nên tắt tất cả quạt nước mà nên duy trì ít nhất một máy quạt nước hoạt động trong ao, như vậy tôm sẽ đỡ bị giật mình mỗi lần mở dàn quạt nước. 

Hàm lượng oxy hòa tan trong nước thấp khiến tôm bị đục cơ

Khi nguồn nước nuôi tôm có lượng oxy hòa tan quá thấp sẽ khiến các mô cơ của tôm chuyển sang trắng đục, một số con có thể bị trắng một phần ở gốc chân bơi. Khi hàm lượng oxy trong ao > 4ppm, cơ thể tôm có màu sáng bình thường. Nếu lượng oxy hòa tan thấp cùng mật độ nuôi cao, tôm thiếu oxy sẽ bị stress và chuyển dần sang trắng hay mờ đục. Đặc biệt, khi hàm lượng oxy trong ao xuống 1,7 ppm, tôm sẽ nổi đầu và đa số bị chết khi lột xác.  

Tôm bị đục cơ do nhiễm bệnh 

Bên cạnh những nguyên nhân liên quan đến thói quen chăn nuôi, môi trường nước, tôm còn bị đục cơ khi nhiễm bệnh do các loại vi khuẩn, virus. Chẳng hạn như vi bào tử trùng (Microsporidian), virus gây hoại tử cơ (infectious myonecrosis virus – IMNV), vi khuẩn thuộc nhóm Vibrio ( Vibrio harveyi gây bệnh trắng đuôi). 

Cách phòng bệnh

Hiện chưa có cách điều trị bệnh này ở tôm. Do vậy, bà con có thể phòng bệnh cho tôm bằng cách chọn lọc tôm bố mẹ cẩn thận, không bị nhiễm bệnh để nuôi. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp cải tạo ao và kiểm soát môi trường nước nuôi tôm chặt chẽ để hạn chế bệnh cho tôm. 

Bệnh đốm đen hay bệnh hoại tử gan, tụy do vi khuẩn (NHPB)

Bệnh hoại tử gan, tụy do vi khuẩn (NHPB) gây ra rất khác so với bệnh hoại tử cấp tính (EMS/AHPND). Kết quả kiểm tra PCR của tôm âm tính với EMS/AHPND. 

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh đốm đen được hình thành do vi khuẩn NHPB (Necrotizing hepatopancreatitis bacterium). Ngoài ra, nếu môi trường ao nuôi kém chất lượng, đáy ao bẩn, nồng độ các khí độc như NH3 hay NO2 cao cũng là yếu tố gây bệnh cho tôm. 

Triệu chứng

Tôm bị bệnh hoại tử gan, tụy
Khi nhiễm bệnh hoại tử gan, tụy do vi khuẩn (NHPB) tôm sẽ xuất hiện những đốm đen li li trên thân

Dấu hiệu nhận biết tôm đang bị hoại tử gan, tụy do vi khuẩn NHPB chính là những đốm đen li ti hay những mảng đen lớn trên cơ thể. Đuôi tôm mỏng, có thể xuất hiện những tổn thương phụ bộ (cụt râu, mòn đuôi,…). Khi nhiễm bệnh tôm có triệu chứng giảm ăn hoặc thậm chí bỏ ăn, bơi lờ đờ, tăng trưởng chậm. Tôm nhiễm bệnh nặng ruột rỗng, gan tụy nhợt nhạt, bề mặt đốm đen trên thân có thể có mùi hôi.

Trường hợp ao nuôi kém chất lượng, hàm lượng vi khuẩn cao vượt ngưỡng gấp nhiều lần mà không phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời thì tỷ lệ tôm chết có thể lên đến 95% trong 15 – 30 ngày. 

Cách phòng bệnh

  • Diệt khuẩn thật kỹ trước khi thực hiện cải tạo ao
  • Dùng đĩa thạch TCBS agar ( MP – BIOTEST) để kiểm tra mật độ vi khuẩn gây bệnh trước và sau khi diệt khuẩn. Nhờ đó có thể đánh giá hiệu quả của công tác loại bỏ mầm bệnh trong ao nuôi
  • Áp dụng kỹ thuật PCR để kiểm tra tôm với các bệnh đốm trắng, IHHNV, IMNV, EMS và NHP
  • Thả tôm nuôi với mật độ phù hợp với thiết kế cơ sở hạ tầng, diện tích, độ sâu mực nước nuôi, hệ thống quạt nước, kinh nghiệm và trình độ của người nuôi 

Bệnh Taura    

Bệnh Taura là bệnh hết sức nguy hiểm có tính lây lan nhanh ở tôm. Thời gian ủ bệnh lâu,  nếu người nuôi không phát hiện bệnh kịp thời và kiểm soát thì khả năng tôm chết hàng loạt rất cao.

Nguyên nhân gây bệnh

Taura syndrome virus (TSV) chính loại virus gây bệnh Taura

Triệu chứng

Tôm thẻ chân trắng bị Taura
Tôm thẻ chân trắng bị Taura phần thân sẽ chuyển sang đỏ nhạt

Ở tôm thẻ chân trắng, bệnh Taura có thể khiến chúng chuyển sang màu đỏ nhạt, nhất là ở đuôi. Vỏ tôm bị mềm và ruột rỗng. Nếu tôm sú bị nhiễm Taura thì toàn bộ vùng đuôi quạt, các đốt thân, chân bơi, chân bò đều bị chuyển sang màu đỏ. Tốc độ lây lan của bệnh Taura rất nhanh và có thể gây tỷ tử vong cao từ 40 – 90%.  

Cách phòng bệnh

Thực công tác phòng bệnh Taura cho tôm tương tự với bệnh đầu vàng hay bệnh đốm trắng. Bà con cần chú ý sàng lọc tôm nuôi cẩn thận bằng kỹ thuật PCR để đảm bảo chúng không bị nhiễm các loại virus, vi khuẩn gây bệnh. 

Trên đây là tổng hợp các bệnh ở tôm phổ biến và cách phòng bệnh mà bà con có thể áp dụng. Để tôm luôn khỏe mạnh và đạt năng suất cao, bà con cần chủ động trong việc theo dõi quá trình phát triển của tôm hằng ngày nhằm phát hiện sớm các nguy cơ nhiễm bệnh và thực hiện xử lý kịp thời, hạn chế những rủi ro, thiệt hại đến hồ tôm. Ngoài ra cần xử lý kỹ ao nuôi, tìm nguồn giống chất lượng để hạn chế các bệnh ở tôm

Tham khảo: Cách tăng sức đề kháng cho tôm

Xem thêm: Bệnh trên tôm do virut và vi khuẩn

Tài liệu tham khảo:

  • MỘT SỐ BỆNH PHỔ BIẾN TRÊN TÔM NUÔI – LOCI
  • Shrimp diseases – biomin
  • The Top 10 Diseases Shrimp Farmers Should Be Aware Of – qb-labs
  • Alday de Graindorge, V. and Flegel, T.W., 1999. Diagnosis of shrimp diseases with emphasis on the black tiger shrimp (Penaeus monodon). Multimedia Asia Co. Ltd. Bangkok 10400, Thailand. 
  • De Schryver, P., Defoirdt, T. and Sorgeloos, P. 2014. Early mortality syndrome outbreaks: a microbial management Issue in shrimp farming? PLoS Pathog. 10(4): e1003919.  
  • Flegel, T.W., 2006. Detection of major penaeid shrimp viruses in Asia, a historical perspective with emphasis on Thailand. Aquaculture 258, 1-33.   
  • LIGHTNER, D. V. Virus diseases of farmed shrimp in the Western Hemisphere (the Americas): a review. Journal of invertebrate pathology, 2011, 106.1: 110-130.
  • FLEGEL, Timothy W., et al. Shrimp disease control: past, present and future. Diseases in Asian Aquaculture VI. Fish Health Section, Asian Fisheries Society, Manila, Philippines, 2008, 505: 355-378.

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký