Năng suất mùa vụ được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó bao gồm việc cho tôm ăn như thế nào. Vậy làm sao để quản lý lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng phù hợp và hiệu quả? Mời bà con tham khảo ngay bài viết sau đây của Biogency để tìm ra cách tính lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng, từ đó có cách quản lý việc cho ăn sao cho đạt được lợi nhuận kinh tế cao sau khi thu hoạch.
Các nội dung chính
Các loại thức ăn cho tôm thẻ chân trắng
Dựa trên nguồn gốc và thành phần, thức ăn dành cho tôm thẻ chân trắng được chia làm 3 loại chính:
- Thức ăn tự nhiên: gồm có các động – thực vật phù du, các loại mùn bã hữu cơ dưới nước,…(Tham khảo các loại thức ăn tự nhiên cho tôm)
- Thức ăn công nghiệp: do những cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm chế biến ra.
- Thức ăn tự chế: do người nuôi tôm tự chế biến từ các nguồn nguyên liệu sẵn có như cá tạp, ốc, các loại chế phụ phẩm trong nông nghiệp.
Tham khảo: Thành phần dinh dưỡng trong thức ăn cho tôm
Các lưu ý khi tính lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng
Không phải giai đoạn nào cũng có thể thả lượng thức ăn tương tự nhau xuống cho tôm thẻ chân trắng. Bà con cần lưu ý những giai đoạn nhất định của tôm thẻ để có cách điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Để tính toán lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng cần chú ý tới 2 giai đoạn sau:
- Giai đoạn thứ nhất là 30 ngày đầu mang tôm về trại
- Giai đoạn thứ 2 là từ tháng thứ 2 trở đi
Cách cho ăn của 2 giai đoạn này khác nhau, cụ thể như sau:
Cách tính lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng trong tháng đầu tiên
Trong tháng đầu nuôi tôm, rất khó để xác định được chính xác tỉ lệ sống và sức ăn của tôm như thế nào. Vì vậy khi bà con cho tôm ăn thức ăn công nghiệp, nên thả xuống số lượng ít hơn khuyến cáo của nhà sản xuất. Mỗi ngày nên chia ra làm 4 – 5 cữ để cho ăn.
- Bước đầu tiên, bà con cần tính được lượng thức ăn cho tôm dựa theo thể trọng, sau đó chia theo số bữa cho ăn một ngày. Đặc biệt nếu điều kiện ao nuôi của bà con lẫn nhiều tạp chất, phù du, lượng thức ăn cần chia trên thực tế sẽ nhỏ hơn lượng in trên bao bì. Như vậy sẽ giúp ao tránh tình trạng tồn đọng thức ăn thừa, làm phát sinh khí độc khiến tôm chết nhanh.
- Trung bình tổng lượng thức ăn cho 100.000 con tôm thẻ chân trắng trong 30 ngày rơi vào khoảng 160kg.
- Ngày thứ nhất, lượng thức ăn cho tôm là khoảng 2,5kg (các số liệu đều tính cho 100.000 con tôm thẻ chân trắng).
- Từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 7, mỗi ngày tăng thêm 100g.
- Từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 14, mỗi ngày tăng thêm 200g lượng thức ăn.
- Từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 30, mỗi ngày cho ăn tăng thêm 300g.
Một vài lưu ý trong cách cho ăn và quản lý môi trường ao nuôi trong 30 ngày đầu thả tôm:
- Ở ngày nuôi thứ 7, để cho 100.000 con tôm ăn không sử dụng quá 3,1kg thức ăn. Ở ngày nuôi thứ 30, lượng thức ăn thả xuống cho 100.000 con tôm thẻ không vượt quá 9,1kg/ngày.
- Luôn chú ý quản lý thức ăn cho tôm thẻ chân trắng chặt chẽ, quan sát kỹ ruột tôm trước khi điều chỉnh lượng thức ăn.
- Trong 30 ngày đầu, nhớ chú ý theo dõi và đánh giá tình hình môi trường nước và có giải pháp xử lý thức ăn thừa kịp thời, điều này sẽ giúp đảm bảo ao nuôi không bị ô nhiễm và sức khỏe của tôm cũng không chịu ảnh hưởng.
- Từ ngày 7 đến ngày thứ 10 sau khi thả, cho tôm ăn cách bờ 2 – 4m, dùng thức ăn ở dạng bột mịn trộn với nước rồi mới tạt xuống ao, nhớ tắt quạt nước trước khi thả.
- Từ ngày thứ 10 sau khi thả giống, cho ít thức ăn cỡ nhỏ vào sàng để cho tôm làm quen, đồng thời cũng dễ tính lượng thức ăn dư hơn. Đặt sàng nơi phẳng phiu, cách bờ khoảng 1,5 – 2m, cách quạt nước khoảng chừng 12 – 15cm. Khoảng 1.600 – 2 nghìn mét vuông đặt một sàng, không đặt ở góc ao.
- Sau 15 ngày sau khi thả, bà con đã có thể sử dụng các chất bổ sung cung cấp vitamin và khoáng chất cho tôm, nhớ dựa theo liều lượng khuyến nghị của nhà sản xuất để tăng cường thể chất, sức đề kháng cho tôm.
- Thông thường nếu cho tôm ăn thức ăn công nghiệp, đường ruột tôm sẽ có màu nâu đen. Nếu thấy đường ruột tôm bị đen chứng tỏ lượng thức ăn thiếu nên tôm phải ăn mùn bã hữu cơ hoặc phân của chúng.
Tham khảo: Hướng dẫn canh nhá trong nuôi tôm thẻ chân trắng
Cách tính lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng từ tháng thứ 2 trở đi
Từ tháng thứ 2 trở đi, việc cho ăn cần được tính toán kỹ lưỡng để cho hiệu suất cao nhất. Những thông số bà con cần nắm để có thể xác định lượng thức ăn phù hợp thả xuống cho tôm:
- Số lượng thả giống (con)
- Số lượng tôm trung bình (con/kg)
- Tỉ lệ sống (mật độ tôm còn lại)
Trong những tháng tiếp theo này, việc quản lý thức ăn không còn dựa trên số lượng ước tính như tháng đầu tiên. Bà con cần đánh giá được trọng lượng thực của đàn tôm trong ao nuôi mới có thể kiểm soát đúng lượng thức ăn cần thả.
- Quản lý thức ăn cho tôm theo trọng lượng rõ ràng. Cách tính: trọng lượng thức ăn cần thả xuống ao được tính theo phần trăm so với trọng lượng tổng số tôm có trong ao.
Ví dụ: trọng lượng của 1 con tôm trong ao là 6,5g, tổng số tôm có trong ao nuôi là 250.000 con, suy ra tổng trọng lượng tôm là 6,5g x 250.000 con = 1.625kg. Dựa vào bảng % thức ăn theo trọng lượng tôm bên dưới, 6,5g/con sẽ tương đương với mức 4,1% thức ăn so với tổng trọng lượng cả đàn tôm là 1.625kg. Từ đó bà con có thể tính được lượng thức ăn cho 250.000 con tôm trong 1 ngày là: 1.625kg x 4,1%/100 = 66,6kg.
Trọng lượng 1 con tôm (g) | Lượng thức ăn toàn ao nuôi (%) |
2 | 9,5 |
3 | 5,8 |
5 | 5,3 |
7 | 4,1 |
10 | 3,3 |
12 | 3,0 |
15 | 2,6 |
20 | 2,1 |
25 | 1,5 |
30 | 1,3 |
Bảng tính lượng thức ăn dựa theo trọng lượng của 1 con tôm thẻ chân trắng.
- Tiếp đến, bà con lấy tổng lượng thức ăn tính được chia ra làm 4 thời điểm để cho tôm thẻ ăn:
- Lần 1 (25%): cho ăn vào khoảng 8h30 sáng
- Lần 2 (20%): cho ăn vào khoảng 1h chiều
- Lần 3 (25%): cho ăn vào khoảng 5h30 chiều
- Lần 4 (30%): cho ăn vào khoảng 8h tối
- Từ những tháng tiếp theo trở đi, bà con nên chia thức ăn cho tôm thẻ chân trắng thành 2 – 3 bữa/ngày, cho ăn vào lúc điều kiện ao nuôi tốt nhất với ánh sáng đầy đủ.
Tham khảo: Nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn cho tôm
Điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm thẻ theo điều kiện thực tế
Không chỉ cần nghiên cứu, tính toán lượng thức ăn phù hợp cho tôm thẻ chân trắng ở từng giai đoạn, bà con còn phải liên tục theo dõi để điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm dựa theo tình hình thực tế.
Sau khi cho thức ăn sau vào sàng hoặc nhá, sau mỗi 2 – 3 tiếng nên kiểm tra một lần. Việc này sẽ giúp bà con nắm được sức ăn của tôm và điều chỉnh được lượng thức ăn sao cho phù hợp với nhu cầu của đàn tôm.
Bà con tham khảo bảng sau để có cách điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp:
Bảng theo dõi và điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm thẻ:
*Giả sử tổng lượng thức ăn mỗi ngày là 100kg.
Tình trạng thức ăn trong sàng/nhá | Cách xử lý cho lần sau |
Tôm ăn hết thức ăn | Tăng 5% (5kg) cho lần ăn sau |
Còn dư 8 – 10kg | Không cho thêm |
Dư khoảng 15 – 25kg | Giảm bớt 10% (10kg) cho lần ăn sau |
Dư từ 40 – 50kg | Giảm bớt 30% (30kg) cho lần ăn sau |
Còn dư trên 50kg | Ngưng cho ăn, lập tức kiểm tra sức khỏe tôm |
Việc kiểm tra sức ăn của tôm thẻ chân trắng khá dễ dàng. Bên cạnh việc quan sát tình trạng thức ăn thừa trên sàng hoặc nhá, bà con có thể biết được tôm đã ăn no hay chưa thông qua cách quan sát cơ thể tôm. Vì tôm thẻ chân trắng có lớp vỏ trắng trong và mỏng, ta có thể thấy rõ đường ruột của tôm đầy hay rỗng. Nếu thấy tôm bị rỗng ruột thì bà con cần lập tức kiểm tra các chỉ số khác như yếu tố về môi trường, loại thức ăn cho tôm,… để biết vì sao tôm bỏ ăn. Đồng thời, quan sát màu thức ăn trong đường ruột tôm cũng sẽ giúp bà con đánh giá được nên điều chỉnh lượng thức ăn cho lần sau như thế nào.
Tham khảo: Những chỉ số quan trọng cần lưu ý trong nước ao nuôi tôm
Ngoài ra, khi cho tôm thẻ chân trắng ăn, bà con cũng nên chú ý đến độ đạm của thức ăn. Tôm thẻ chân trắng có khả năng thích nghi và có sức ăn tốt, đặc trưng của chúng là ăn liên tục nên cần để ý quan sát tôm thường xuyên, nếu thấy tôm quá mập nên giảm lượng thức ăn xuống còn 70 – 80% thường ngày, hoặc ngừng cho ăn một vài bữa, như vậy tôm sẽ có thân hình đẹp vừa phải.
- Giai đoạn tôm từ 1 – 40 ngày nên cho ăn loại có hàm lượng protein cao 40 – 50%.
- Sau 40 ngày, sử dụng loại thức ăn có hàm lượng protein từ 30 – 35%.
Tham khảo: Cách cho tôm ăn hiệu quả
Đặc biệt trong quá trình thả nuôi và cho tôm ăn, bà con nên thường xuyên bổ sung men vi sinh đường ruột để hỗ trợ tăng sức đề kháng và tăng sức ăn cho tôm. Tham khảo sử dụng men vi sinh đường ruột Microbe-Lift DFM chứa 4 chủng lợi khuẩn cần thiết cho hệ đường ruột (Bacillus subtilis, Bacillus pumilus, Bacillus amyloliquefaciens và Bacillus licheniformis). Chỉ cần 0,5 – 1g men vi sinh Microbe-Lift DFM có thể trộn được cho 1kg thức ăn, 100g sử dụng cho 100 – 200kg thức ăn. Có thể sử dụng xuyên suốt mùa vụ để giúp tôm ăn khỏe, chóng lớn, cải thiện hệ miễn dịch, hạn chế mắc các bệnh về đường ruột như bệnh phân trắng,… Đặc biệt sản phẩm còn có thể giúp giảm mùi hôi của phân tôm 70 – 80%.
Tham khảo: Lợi ích khi cho thêm carot vào thức ăn của tôm thẻ chân trắng
Tham khảo: Xử lý chất thải hữu cơ trong ao tôm
Trên đây Biogency đã hướng dẫn vô cùng chi tiết về cách tính lượng thức ăn cho tôm thẻ chân trắng. Bà con nuôi tôm nên nắm vững những kiến thức này để có cách quản lý thức ăn phù hợp, tránh để tồn đọng thức ăn thừa trong ao lâu ngày sẽ phát sinh khí độc gây ảnh hưởng đến tôm nuôi. Chúc bà con áp dụng thành công và gặt hái được vụ mùa bội thu. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ đến Hotline 0909 538 514 sẽ có các chuyên gia tư vấn miễn phí cho bà con!
Tài liệu tham khảo:
http://affris.org/giant_tiger_prawn/tables/table_7.htm (fao.org)
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh