Cách chăm sóc cá rô phi trong mùa hè

Cách chăm sóc cá rô phi trong mùa hè

Biết cách chăm sóc cá rô phi trong mùa hè giúp bà con chủ động bảo vệ cá trong thời điểm nhạy cảm, giảm rủi ro thiệt hại. Dưới đây là hướng dẫn cơ bản để bà con dễ dàng tham khảo.

Vì sao cần chú trọng chăm sóc cá rô phi trong mùa hè?

Cá rô phi là loài khá dễ nuôi, tuy nhiên cũng như tôm, cá thuộc động vật thuộc nhóm máu lạnh nên thân nhiệt sẽ thay đổi theo nhiệt độ nước, điều này đồng nghĩa nếu nhiệt độ ao quá cao hay quá thấp một cách đột ngột đều ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển của cá.

Cách chăm sóc cá rô phi trong mùa hè
Chú trọng chăm sóc cá rô phi trong mùa hè để tránh thời tiết ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cá.

Mùa hè, nhiệt độ tăng cao lại kéo dài sẽ kích thích dây thần kinh da làm mất khả năng điều tiết hoạt động của các cơ quan, làm cá giảm ăn, dễ mắc bệnh, có thể gây chết hàng loạt. Đây là lý do bà con nuôi trồng cần đặc biệt chú trọng vào cách chăm sóc cá rô phi trong mùa hè. Để bà con hình dung rõ hơn, dưới đây là các rủi ro với cá rô phi khi nhiệt độ tăng cao kéo dài vào mùa hè.

Cá thiếu oxy, chậm lớn

Nhiệt độ giới hạn của cá rô phi từ 22 – 28 độ C, khi nắng nóng kéo dài, nhiệt độ nước lên đến 36-38 độ C, cá sẽ dần yếu, ăn kém và nguy cơ mắc bệnh rất cao. Cùng với đó khi nhiệt độ môi trường không khí và môi trường nước lên cao oxy hòa tan vào nước sẽ thấp, mức độ tiêu thụ oxy của các loài thủy sinh vật trong ao tăng dẫn đến các hiện tượng cá nổi đầu do thiếu oxy.

Ao sinh khí độc

Khi nhiệt độ cao, ánh sáng mạnh tạo điều kiện tảo phát triển quá mức, còn gọi là hiện tượng tảo nở hoa, khiến ao nuôi cạn kiệt oxy, nhất là vào ban đêm. Khi tảo tàn lụi sẽ phân huỷ, sinh các khí độc như CO2, NO2, NH3, H2S, CH4 … khiến cá bị sốc, ngộ độc, giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho nhiều mầm bệnh sẽ phát triển.

Ao nuôi dễ ô nhiễm

Với các loại cá nuôi bằng thức ăn tươi sống, nhiệt độ cao thức ăn tươi sống rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước, làm cho cá dễ mắc bệnh hơn. Điều này đặc biệt lưu ý với ao nuôi mật độ cao.

Cơ hội vi khuẩn Streptococcus phát triển

Nhiệt độ nước tăng, lượng oxy thấp là cơ hội để vi khuẩn Streptococcus phát triển, gây bệnh liên cầu khuẩn cho cá rô phi. Đây là bệnh có sức tàn phá lớn, gây chết cá hàng loạt, thiệt hại nặng nề cho bà con nuôi trồng. Trong đó, cá từ đạt kích cỡ từ 100g đến giai đoạn thương phẩm thường dễ bị tấn công nhất, khi nhiễm bệnh cá thường có biểu hiện mắt lồi và đục, xuất huyết gốc vây dẫn đến cá chết.

Cách chăm sóc cá rô phi trong mùa hè
Cá rô phi dễ bị bệnh liên cầu khuẩn trong mùa hè.

Bên cạnh đó, với các ao nuôi công nghiệp mật độ nuôi cao, sử dụng lượng lớn thức ăn thì nguy cơ ao nhiễm khí độc, thiếu hụt oxy, cá nhiễm bệnh lại càng lớn. Do đó, vào những tháng hè bà con cần đặc biệt chú ý đến cách chăm sóc cá rô phi.

Cách chăm sóc cá rô phi trong mùa hè

Dưới đây là các gạch đầu dòng cơ bản về cách chăm sóc cá rô phi trong mùa hè để bà con dễ dàng chủ động tham khảo và nắm bắt.

Tìm cách giữ nhiệt độ ao ổn định

Yếu tố cốt lõi tác động đến cá vào mùa hè chính là nhiệt độ tăng đột ngột. Do đó, đầu tiên bà con cần tìm mọi cách để giữ được sự ổn định nhiệt độ của môi trường nước nhằm giảm tác động của nhiệt độ đến cá. Một vài cách như:

  • Duy trì mực nước trong ao luôn đạt tối thiểu từ 1 – 1,2m để giảm bớt sự sốc nhiệt do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm.
  • Thả thêm rau muống, lục bình, bèo,… trên mặt ao
  • Trồng các loại cây có bóng mát xung quanh bờ ao để tạo bóng râm giúp cho cá tránh nắng.
  • Dùng lưới tản nhiệt để giảm tác động trực tiếp của nhiệt độ lên ao nuôi, áp dụng với những ao có diện tích nuôi nhỏ
Cách chăm sóc cá rô phi trong mùa hè
Thả bèo giúp giảm nhiệt độ ao

Đảm bảo đủ oxy trong ao nuôi

Vào những ngày nắng nóng kéo dài, bà con cần đảm bảo ao nuôi luôn đầy đủ lượng oxy hòa tan bằng cách bơm thêm nước hoặc thay nước định kỳ, sử dụng máy tạo mưa, máy quạt nước hoặc sục khí cho ao nuôi, đặc biệt là vào sáng sớm, giúp giải phóng và hạn chế sự phát sinh của các khí độc.

Trường hợp cá có hiện tượng nổi đầu, bà con cần giảm lượng thức ăn hoặc thậm chí là ngừng cho cá ăn, cần bơm nước sạch vào ao hoặc dùng quạt nước, máy đánh sóng để tăng cường oxy, ngoài ra có thể dùng viên oxy để tăng hàm lượng oxy khi cần thiết (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Lưu ý, nguồn nước cấp vào ao cần phải được xử lý bằng vôi hoặc hóa chất khử trùng.

Theo dõi, kiểm soát các chỉ số môi trường nước, lượng thức ăn

Theo dõi diễn biến thời tiết, màu nước, độ pH (7,0 – 8,5) của nước để kịp thời điều chỉnh. Đặc biệt cần chú ý điều chỉnh số lượng thức ăn, không để dư thừa gây ô nhiễm môi trường trong ao nuôi. Bà con có thể giảm từ 30 – 40% lượng thức vào bữa trưa hoặc có thể bỏ cữ ăn trưa

Nếu nền đáy tích tụ nhiều bùn cần định kỳ thay nước hoặc bổ sung nước mới cho ao 1 tuần/lần. Cần thường xuyên kiểm tra và vớt bỏ thức ăn dư thừa trong ao nuôi.

Bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng

Bà con cần bổ sung Vitamin C vào thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho cá, cho ăn liên tục từ 7-10 ngày/tháng với liều lượng 2 g/kg thức ăn/ngày. Ngoài ra, có thể sử dụng chế phẩm men tiêu hóa, men vi sinh đường ruột giúp bổ sung lợi khuẩn giúp cá hấp thu thức ăn tốt hơn, tăng cường sức khỏe đường ruột.

Sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nền đáy ao

Khi môi trường nước ao nuôi bị ô nhiễm hay có những biến đổi bất thường bà con cần bổ sung men vi sinh hoặc chủ động bổ sung trong quá trình nuôi để giảm chất thải hữu cơ làm ô nhiễm ao. Bà con kết hợp sử dụng chế phẩm sinh học như Microbe-Lift AQUA SA để xử lý nền đáy ao giúp phòng ngừa khí độc, mầm bệnh tấn công cá. Đồng thời giúp tránh hiện tượng tảo tàn, tảo độc phát triển trong ao nuôi khi nhiệt độ cao và nắng kéo dài.

Cách chăm sóc cá rô phi trong mùa hè
Bổ sung men vi sinh giúp làm sạch ao, nền đáy ao cá

Không dùng thuốc kháng sinh tùy tiện

Bà con lưu ý chỉ sử dụng kháng sinh khi xác định rõ nguyên nhân và hướng dẫn từ cán bộ kỹ thuật. Khi cá rô phi có biểu hiệu bất thường như mắt lồi, mờ đục mắt, xuất huyết da và xương nắp mang cần thông báo đến cơ quan chức năng để khuyến cáo biện pháp xử lý phù hợp.
Định kỳ 2 lần/tháng dùng vôi hòa với nước tạt đều xuống ao nuôi để khử trùng và diệt mầm bệnh trong nước ao, liều lượng 1 – 2 kg/100m2.
Chủ động thu tỉa trong thời điểm thích hợp

Với ao cá đã đạt kích cỡ, trọng lượng thu hoạch bà con cần chủ động thu tỉa để giảm mật độ cá hoặc đánh bắt thu toàn bộ sớm. Lưu ý khi đánh bắt và vận chuyển cá trong mùa nóng bà con nên thực hiện vào lúc sáng sớm hoặc trời mát.

Như vậy trên đây là hướng dẫn cách chăm sóc cá rô phi trong mùa hè với các lưu ý cơ bản nhất, hy vọng bài viết hữu ích với bà con. Để được hỗ trợ tư vấn chi tiết về giải pháp nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi cá rô phi nói riêng, bà con vui lòng liên hệ Hotline 0909 538 514 ngay nhé!

>>> Xem thêm: Kỹ thuật giúp nuôi cá rô phi toàn đực hiệu quả

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký