công nghệ semi-biofloc

Nuôi tôm chi phí thấp với công nghệ semi-biofloc

Để nuôi tôm tiết kiệm chi phí và tăng lợi nhuận, công nghệ semi-biofloc đã được áp dụng tại nhiều tỉnh như Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận,… và đem lại hiệu quả cao. Cùng tìm hiểu về cách nuôi tôm với công nghệ semi-biofloc trong bài viết dưới đây. 

Công nghệ semi-biofloc trong nuôi tôm là gì? 

công nghệ semi-biofloc

Công nghệ semi-floc hay còn được gọi là hệ thống lai (hybrid) giữa sinh vật tự dưỡng và dị dưỡng (autotrophic and heterotrophic organism). Đặc điểm của hệ thống này là tạo ra môi trường cân bằng với khoảng 30 – 40% sinh vật tự dưỡng (chủ yếu là tảo Chlorella) và 60 – 70% sinh vật dị dưỡng (chủ yếu là các chủng Bacillus). 

Các sinh khối floc trong hệ thống được duy trì thông qua việc bón định kỳ chế phẩm sinh học, MgCO3, CaCO3 và các chất hữu cơ. Nuôi tôm với công nghệ semi-biofloc giúp duy trì mật độ tảo ổn định, đồng thời cũng duy trì sự ổn định cho các chỉ tiêu môi trường nước như độ pH, độ kiềm, nồng độ DO,… Mật độ tảo trong ao nuôi sẽ được kiểm soát bằng cách điều chỉnh và duy trì tỷ lệ N:P là 25:1. 

Công nghệ semi-biofloc được áp dụng với vai trò quan trọng trong việc xử lý chất thải hữu cơ và chuyển hóa thành protein sinh khối, tạo ra các cụm Biofloc lơ lửng trong nước. Biofloc không chỉ là nguồn thức ăn đầy dưỡng chất cho sự phát triển của tôm mà còn góp phần cải thiện môi trường ao nuôi, giúp giảm ô nhiễm và ngăn chặn các mầm bệnh.   

Hệ thống ao nuôi theo công nghệ semi-biofloc có tỷ lệ trao đổi nước rất thấp, chỉ khoảng 0,5 -1%/ ngày. Do vậy, đây là mô hình nuôi tôm có độ an toàn sinh học cao, giảm thiểu các nguy cơ lây nhiễm bệnh cho tôm. Ngoài ra, các chủng vi khuẩn có lợi trong hệ thống như Bacillus sẽ kích thích tiêu hóa, giúp tôm hấp thu thức ăn hiệu quả hơn, tôm mau lớn và hệ số chuyển hóa thức ăn thấp hơn. 

Xem thêm: Nuôi tôm công nghệ copefloc

Quy trình nuôi tôm theo công nghệ semi-biofloc

công nghệ semi-biofloc

 Chuẩn bị ao nuôi

Để đảm bảo hệ thống an toàn sinh học, hệ thống ao nuôi và ao lắng nên được xây dựng trong nhà kính hay sử dụng lưới để chắn chim, chắn địch hại. Cần trang bị đầy đủ các máy móc, thiết bị, quạt nước và bố trí hợp lý trước khi tiến hành xử lý ao.

 Ao nuôi cần được cải tạo đúng kỹ thuật trước vụ nuôi nhằm thiết lập sự ổn định hệ sinh vật tự dưỡng và dị dưỡng trong ao nuôi (tảo và vi khuẩn có lợi): 

  • Tháo cạn nước, loại bỏ địch hại trong ao
  • Lấy nước vào ao thông qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ rác, trứng, ấu trùng tôm,… 
  • Sau 3 – 7 ngày để nước trong ao nuôi ổn định, tiến hành chạy quạt nước 2 – 3 ngày nhằm kích thích trứng tôm, cá tạp,… nở hết 
  • Diệt khuẩn, diện tạp trong nước bằng Chlorine 20 – 30ppm vào lúc 8 giờ sáng hoặc 4 giờ chiều. Chạy quạt nước liên tục trong 10 ngày để giải phóng dư lượng Chlorine. 

Khi dư lượng thuốc diệt khuẩn trong ao nuôi đã hết, tiến hành kiểm tra độ pH và độ kiềm. Nếu độ pH < 7 và độ kiềm < 80 mg/l, bón vôi với liều lượng 10 – 20kg/ m3. Nếu độ pH > 7,5 và độ kiềm > 80mg/l cần gây màu nước cho ao nuôi. Khi độ trong của nước đạt 40cm, có màu xanh nõn chuối hoặc hơi vàng ngà, có thể thả tôm nuôi nếu điều kiện môi trường thích hợp. Tùy theo nhu cầu cầu chăm sóc, mật độ thả tôm là 100 – 300 con/ m3. 

Quản lý, chăm sóc

Trong hệ thống semi-biofloc cần duy trì chạy quạt nước trong suốt quá trình từ gây màu nước đến hết vụ nuôi nhằm giúp các hạt floc trôi nổi, không bị lắng tụ, biến chất và sản sinh ra khí độc trong ao nuôi. Cần kiểm tra thường xuyên và duy trì nồng độ oxy hòa tan trong nước > 4mg/l. 

Về chế độ cho ăn, đối với tôm thẻ chân trắng, trong ngày đầu tiên cho ăn 2kg/ 100.000 tôm giống. 20 ngày đầu, mỗi ngày tăng 0,2kg/ 100.000 tôm giống. Và từ ngày 21 trở đi, tăng 0,5kg/ 100.000 con giống mỗi ngày. Chế độ cho ăn của tôm sú như sau, 3 ngày đầu tiên cho ăn với lượng 1,2 – 1,5kg/ 100.000 con giống, tăng 0,2 kg/ 100.000 con giống mỗi ngày cho 6 ngày tiếp theo.

Từ ngày nuôi thứ 11 đến ngày thứ 20, mỗi ngày tăng 0,25kg/ 100.000 con giống. Từ ngày thứ 31 trở đi, tăng 0,5kg/ 100.000 con mỗi ngày. Trong quá trình cho tôm ăn cần kiểm tra sàng thức ăn thường xuyên nhằm kiểm soát lượng thức ăn thừa và điều chỉnh thức ăn phù hợp. 

Sau 20 – 30 ngày nuôi, có thể tăng sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung dịch trùn quế vào thức ăn với liều lượng 20 – 30ml/ kg thức ăn.  Ngoài ra dịch trùn quế còn đem lại nhiều lợi ích cho ao nuôi như thúc đẩy quá trình tổng hợp chất hữu cơ từ CO2, H2O, làm thức ăn cho vi khuẩn có lợi phát triển, khống chế sự phát triển của các vi khuẩn gây hại.

Duy trì tỷ lệ C: N lớn hơn 12,5 : 1, là điều kiện thuận cho sự phát triển của các vi khuẩn dị dưỡng, chuyển hóa amonium trong ao thành sinh khối vi khuẩn, tạo các hạt floc lơ lửng trong nước, là nguồn thức ăn dinh dưỡng cho tôm, đồng thời góp phần làm sạch và ổn định môi trường nước.   

Xem thêm: Nuôi tôm công nghệ RAS

Những điều cần lưu ý khi nuôi tôm theo công nghệ semi-biofloc

công nghệ semi-biofloc

Để nuôi tôm theo công nghệ semi -biofloc đạt hiệu quả, người nuôi cần chú ý những điểm sau: 

  • Thực hiện đúng và đều đặn các bước theo quy trình nuôi: Cho tôm ăn đều đặn thức ăn và các sản phẩm bổ sung  ngày 1 đến 2 lần vào bữa ăn chính, định kỳ 7 – 10 ngày 1 lần, sử dụng vi sinh để bảo vệ môi trường ao nuôi, cung cấp thêm cacbon từ nguồn mật rit đường để  duy trì Biofloc phát triển.  Loại bỏ các chất độc trong ao nuôi như NO2-, NH3, H2S,… Đồng thời, duy trì các chỉ tiêu nguồn nước như độ kiềm, độ pH, DO,… ở mức tối ưu, thích hợp cho sự phát triển của tôm. (Tham khảo các chỉ tiêu nước ao nuôi tôm)
  • Nếu tôm bị đen mang do NO2- trong nước, không nên sử dụng hóa chất để xử lý, thay vào đó hãy bổ sung các sản phẩm có thành phần chính: Vi khuẩn cố định đạm Nitrosomonas, vi khuẩn Nitơ hóa Ntitrobacter, liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. 
  • Nếu ao nuôi xuất hiện khí độc H2S, cần bổ sung các sản phẩm có thành phần chính như vi khuẩn quang hợp theo liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì. Sau đó, lặp lại quy trình sử dụng vi sinh (tham khảo xử lý khí độc H2S)
  • Trường hợp biofloc trong ao giảm, nước có màu nâu đỏ có thể cải thiện bằng cách bón vôi CaCO3 hàng ngày, 5 – 6 ngày, liều lượng 20kg/1.000 m3. Ngoài ra, trường hợp biofloc giảm, nước có màu xanh lá cây có thể xử lý bằng cách cắt tảo lam hoặc tảo lục.   
  • Nếu trong ao xuất hiện tình trạng biofloc nổi bọt do vi khuẩn dạng sợi phát triển mạnh. Dùng Calcium peroxide CaO2 để xử lý với liều lượng 10 kg/1.000 m3, sau đó thay nước 5 – 6 ngày. Nếu sau 6 ngày vẫn còn hiện tượng nổi bọt trong ao thì tiếp tục bón Calcium peroxide với liều lượng 10 kg/1.000 m3, lặp lại quy trình.  
  • Loại bớt biofloc bằng cách thay nước trong trường hợp biofloc trong ao quá dày

Công nghệ semi-biofloc là mô hình nuôi tôm phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và trình độ kỹ thuật của người nuôi tôm hiện nay. Nếu tuân thủ và thực hiện tốt các quy trình nuôi, bà con sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí trong chăn nuôi và đạt hiệu quả cao. Hy vọng những thông tin từ bài viết đã giúp bà con hiểu hơn về công nghệ nuôi tôm semi-biofloc và có thêm giải pháp để cải tiến việc chăn nuôi tôm tốt hơn.

Xem thêm: Các quy trình nuôi tôm công nghệ cao tiên tiến hiện nay

Tài liệu tham khảo:

Chịu trách nhiệm nội dung

Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh

Chữ ký