Sử dụng thuốc diệt khuẩn không đúng cách gây hại cho tôm, tăng nguy cơ tôm tồn dư hóa chất giảm giá trị xuất khẩu, thậm chí là gây chết tôm. Chính vì vậy, để phát huy hiệu quả của thuốc, vừa đảm bảo an toàn cho người và tôm, bà con cần nắm được đặc điểm, công dụng, cách dùng của từng loại hoá chất lựa chọn sử dụng.
Các nội dung chính
Thuốc diệt khuẩn Chlorine
Chlorine, viết tắt là Clo, còn gọi là bột tẩy trắng, Clorua vôi, Calcium Hypocholorite, là một dạng bột khô màu trắng hoặc trắng xám, có mùi clo. Chúng là thành phần trong các hợp chất phổ biến hiện nay như Hypochlorite canxi (Ca(OCl)2) – dạng Chlorine khan và Hypochlorite Natri (NaOCl) – dạng dung dịch.
Các hóa chất Chlorine có thể tan trong nước và phản ứng Oxy hóa có tác dụng diệt khuẩn, nấm, ký sinh trùng cực mạnh. Do đó, Chlorine chỉ được sử dụng để xử lý nguồn nước cấp, tức nước trong ao lắng hoặc ao nuôi chưa có tôm cá hay sử dụng để khử trùng đáy ao, khử trùng thiết bị, dụng cụ sản xuất.
Lưu ý quan trọng để sử dụng Chlorine hiệu quả và an toàn:
- Trường hợp sử dụng Chlorine trong ao nuôi cần chú ý liều lượng được hướng dẫn bởi kỹ sư thuỷ sản.
- Không dùng Chlorine khi nước ao đang giàu chất hữu cơ vì sẽ gây ra phản ứng sinh độc hại cho tôm.
- Dùng Chlorine thì tuyệt đối không dùng hoá chất khác trong ao.
- Không bón vôi khi sử dụng vì sẽ làm tác dụng của Chlorine khi độ pH cao.
- Liều lượng sử dụng Chlorine tuỳ thuộc vào lượng chất hữu cơ trong nước, độ pH.
Bà con cần lưu ý, Chlorine là thuốc diệt khuẩn mạnh, phổ rộng nên khi sử dụng cả vi khuẩn có lợi và có hại đều bị tiêu diệt, dẫn đến đáy ao bị trơ, khó gây màu. Do đó, sau khi dùng Chlorine 2-3 ngày, bà còn cần sử dụng các loại men vi sinh để hồi phục hệ vi sinh vật có lợi cho đáy ao. Sau khi sử dụng Chlorine 4 ngày bà con tiến hành chạy quạt mạnh để giảm lượng Clo tồn dư. Bên cạnh không quên sử dụng bộ test để kiểm tra hàm lượng Clo thường xuyên.
Thuốc diệt khuẩn KMnO4
Hay còn gọi là thuốc tím, hóa chất diệt khuẩn được sử dụng phổ biến trong nuôi trồng thuỷ sản, nhất là trong các mô hình nuôi thay nước 2, 3 giai đoạn. KMnO4 tồn tại ở dạng tinh thể hoặc dạng bột, do đó trước khi dùng, bà con cần hoà tan chúng.
KMnO4 có tác dụng làm trong nước ao bằng cách cơ chế làm giảm lượng vật chất hữu cơ trong nước, làm cho keo khoáng (nước có độ đục do phù sa) trở nên trung tính và lắng tụ. Thuốc tím cũng có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, nấm, tảo và cả virus thông qua việc Oxy hóa trực tiếp màng tế bào của vi sinh vật, phá hủy các enzyme đặc biệt điều khiển quá trình trao đổi chất của tế bào. Từ đố giúp xử lý một số bệnh liên quan đến vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm trên tôm.
Lưu ý sử dụng Chlorine hiệu quả và an toàn:
- Thuốc tím chỉ nên dùng xử lý trong ao lắng ở các mô hình nuôi thay nước.
- Sau khi pha cần sử dụng ngay để tránh làm mất hoạt tính của thuốc tím.
- Xử lý thuốc tím sẽ làm giảm lượng PO43- trong nước, cho nên cần thiết phải bón phân lân sau khi sử dụng thuốc tím.
- Liều lượng sử dụng thuốc tím phụ thuộc vào lượng vật chất hữu cơ trong môi trường nước, do đó cần ước lượng hàm lượng phù hợp.
- Không dùng thuốc tím chung với một số loại thuốc sát trùng khác như formaline, iodine, H2O2,…
- Khoảng cách sử dụng thuốc tím giữ 2 lần ít nhất là 4 ngày.
- Vì là chất Oxy hoá mạnh, nơi bảo quản thuốc tím cần tránh nhiệt độ cao, ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào.
Thuốc diệt khuẩn Iodine
Iodine là thuốc sát trùng có phổ diệt khuẩn rộng, có khả năng tiêu diệt nhanh các mầm bệnh vi khuẩn: Vibrio, Pseudomonas, Aeromonas, Leucithrix, Edwardsiella Ictaluri… gây bệnh mủ gan, xuất huyết (đốm đỏ), lở loét, phù đầu, lồi mắt, tuột nhớt, thối đuôi, cụt vây cụt đuôi, thối mang…
Tuy nhiên độc tính của Iodine cực cao, do đó cần hết sức lưu ý khi sử dụng các loại Iodine:
- Sử dụng tạt vào chiều mát vì nhiệt độ trên 35 độ C sẽ làm Iodine nhanh mất tác dụng
- Iodine có thể tiêu diệt phiêu sinh vật, nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nên liều lượng sử dụng cần được chú ý cẩn trọng hết sức
- Không nên sử dụng Iodine thường xuyên, có thể làm tôm chậm lớn, giảm năng suất
Sau khi sử dụng Iodine 1-2 ngày bà con cần cấy lại vi sinh cho ao để bổ sung lại lượng vi sinh vật có lợi bị tiêu diệt khi sử dụng Iodine.
Thuốc diệt khuẩn TCCA 90%
TCCA khá tương tự Chlorine, khi hoà tan tạo hoạt chất HClO có tính Oxy hoá khi xâm nhập vào màng tế bào vi sinh vật. Chúng được ứng dụng để xử lý, sát trùng ao nuôi, tiêu diệt tảo, rong rêu, phòng ngừa các tác nhân vi khuẩn, nấm mốc,… gây ra các bệnh như đứt râu mòn đuôi, vàng mang, đen mang, đóng nhớt,… TCCA cũng có tác dụng kích thích tôm lột xác đúng chu kỳ.
Lưu ý khi sử dụng:
- Sử dụng vào chiều tối lúc độ pH thấp là tốt nhất.
- Không dùng TCCA với dụng cụ, vật chứa bằng kim loại.
- Mang bảo hộ khi pha, khi hoà tan TCCA trong nước thải ra khí Clo dễ bị sặc.
- Chỉ sử dụng khi thuốc hoà tan hết.
- Không để TCCA gần hoặc sử dụng cùng lúc với các loại sản phẩm có tính kiềm vì làm tăng pH giảm tác dụng .
Thuốc diệt khuẩn BKC 80%
BKC (Benzalkonium Chloride) là một loại muối amoni hữu cơ, có khả năng phá huỷ màng tế bào, ngừng trệ các quá trình trao đổi chất của vi khuẩn. Đồng thời tiêu diệt các vi sinh đơn bào, virus, nấm mốc và khống chế sự phát triển của tảo. Chính vì vậy BKC được sử dụng để khử trùng, sát khuẩn ao tôm, loại trừ các mầm bệnh do vi khuẩn gây ra như: bệnh nấm và Protozoa, bệnh cụt râu, mòn đuôi, bệnh phát sáng trên tôm.
Lưu ý khi sử dụng BKC:
- Pha loãng trước khi tạt lên bề mặt ao.
- Nên sử dụng khi trời nắng gắt, kết hợp bật quạt nước để cung cấp oxy cho tôm.
- Không sử dụng BKC ở giai đoạn tôm mới thả.
- Không dùng chung với các thuốc diệt khuẩn, khử trùng khác.
- Sử dụng đúng liều lượng,1 lít/1500m3, sử dụng quá liều dễ gây tồn dư trong tôm và làm giảm giá trị , bị thương lái ép giá khi thu mua.
- Không cấy men vi sinh ngay sau khi dùng BKC.
Thuốc diệt khuẩn Đồng Sunfat
Đồng Sunfat (CuSO4.5H2O) là muối vô cơ, tồn tại ở dạng tinh thể màu xanh dương, không màu, không mùi, rất dễ tan trong nước. Bên cạnh công dụng quen thuộc mà nhiều bà con vẫn biết đến là diệt tảo và làm trong nước, còn có khả năng diệt khuẩn và ký sinh trùng trên tôm. Tuy nhiên vì độc tính của đồng sunfat khá mạnh nên hiện nay bà con cũng hạn chế sử dụng.
Trường hợp sử dụng bà con chú ý tỷ lệ đồng sunfat không vượt quá -0.01 tổng độ kiềm, việc sử dụng quá nhiều sẽ khiến tôm chậm lớn. Không sử dụng đồng sunfat khi trời mưa, âm u. Không tháo nước trong ao khi đang xử lý đồng Sunfat vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài ao.
Nên bổ sung men vi sinh sau 48h sát khuẩn/diệt khuẩn
Sau 2-3 ngày diệt khuẩn, bà con nên bổ sung men vi sinh cho ao nuôi để cấy lại vi sinh có lợi cho ao, kịp thời xử lý và khống chế các vấn đề chất lượng nước ao. Đồng thời phòng ngừa và xử lý tình trạng khí độc tăng nhanh và đột ngột gây ảnh hưởng đến tôm.
Biogency khuyến khích bà con sử dụng men vi sinh Microbe-Lift AQUA C và Microbe-Lift AQUA N1 ngay sau khi diệt khuẩn với liều lượng gấp đôi liều thông thường, kết hợp ủ sục khí 24 giờ.
Không thể phủ nhận, công tác cải tạo môi trường, diệt khuẩn trước, trong và sau vụ nuôi đóng vai trò vô cùng quan trọng cho một vụ mùa tôm thành công. Tuy nhiên với nhiều hệ luỵ an toàn từ hóa chất, thuốc diệt khuẩn có thể gây hại cho tôm, diệt tảo, động vật phù du, vi sinh có lợi… khiến tôm thiếu thức ăn, bà con có thể cân nhắc sử dụng men vi sinh thay cho thuốc diệt khuẩn nhằm ức chế, tiêu diệt vi khuẩn có hại. Lựa chọn này càng có ý nghĩa khi thị trường xuất khẩu tôm ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng tôm.
Mong rằng những thông tin ở trên đã phần nào giúp ích được cho bà con trong quá trình nuôi tôm hiện nay. Để hiểu rõ hơn về phương pháp sử dụng men vi sinh thay thuốc diệt khuẩn, bà con có thể liên hệ với Biogency qua Hotline 0909 538 514 để được hỗ trợ.
>>> Xem thêm: Liều lượng sử dụng Vitamin C cho tôm
Chịu trách nhiệm nội dung
Phó Giám Đốc - Đồng Thị Tú Anh